Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kim Bôi (Hòa Bình): Đánh thức tiềm năng phát triển ngành "công nghiệp không khói"

Doãn Kiên - 16:32, 22/12/2021

Kim Bôi (Hòa Bình) là điểm nối giữa vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Tây Bắc. Cùng với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều cảnh quan đẹp, khu di tích cổ Đồng Thếch, bản sắc văn hóa dân tộc Mường... là tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để Kim Bôi phát triển kinh tế- xã hội, nhất là kinh tế du lịch.

Khu nghỉ dưỡng cao cấp của huyện Kim Bôi.
Một khu nghỉ dưỡng cao cấp của huyện Kim Bôi.

Tiềm năng và thế mạnh

Kim Bôi là huyện miền núi, nằm ở phía Đông của tỉnh Hòa Bình, diện tích trên 550 km2. Huyện có 27 xã và 01 thị trấn (thị trấn Bo cách thành phố Hòa Bình 36 km). Dân số 116.992 người, trong đó dân tộc Mường chiếm 83% dân số; dân tộc Kinh, dân tộc Dao và các dân tộc khác chiếm 17% dân số. 

Từ lâu, Kim Bôi được du khách biết đến bởi nguồn nước khoáng nóng. Nước khoáng Kim Bôi được đánh giá là một trong những nguồn nước khoáng thiên nhiên tốt nhất Đông Nam á. Ngoài ra, Kim Bôi cũng là vùng đất nổi tiếng về văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường; di chỉ khảo cổ khu mộ cổ Đồng Thếch (xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng) có từ nửa cuối thế kỷ XVII với những cột đá lớn nhỏ được khắc chữ Hán - Nôm, được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Hằng năm, trên địa bàn huyện có nhiều lễ hội được duy trì như: lễ hội Mường Động, Hội xuân, lễ hội Khuống mùa, Mừng cơm mới… Tại các lễ hội làng thường diễn ra các trò chơi dân gian mang tính cộng đồng như: ném còn, đánh mảng, đánh đuống, kéo co, đẩy gậy, gọi nàng Khọt… Đi với đó là các điệu múa đặc trưng như múa bông, múa dâng hoa, múa cửa đình, xen lẫn những màn xéc bùa, hát đối, ví đúm…

Bên cạnh đó, Kim Bôi còn có hệ thống hang động phong phú, những ngọn núi, cánh rừng già… Những tiềm năng, lợi thế đó đã giúp Kim Bôi có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều điểm du lịch sinh thái như điểm nghỉ dưỡng cao cấp Serena Resort (xã Sào Báy), Cửu Thác Tú Sơn (xã Tú Sơn), thác Mặt Trời (xã Kim Tiến), khu rừng đặc dụng Thượng Tiến, khu V’Resort (xã Vĩnh Tiến)…

Hàng năm, trung bình có khoảng 200 nghìn lượt khách du lịch tới Kim Bôi
Hàng năm, trung bình có khoảng 200 nghìn lượt khách du lịch tới Kim Bôi

Lợi thế của vùng đất “chén vàng”

So với các địa phương khác của tỉnh Hòa Bình, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện Kim Bôi khá ổn định. Năm 2017, UBND huyện Kim Bôi ban hành Quyết định số 1126/QĐ - UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Kim Bôi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng cho việc quản lý, thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, góp phần phát triển du lịch huyện Kim Bôi.

Hàng năm, trung bình có khoảng 200 nghìn lượt khách du lịch tới Kim Bôi, doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra của huyện Kim Bôi là phát triển du lịch chất lượng cao để thu hút du khách trong và ngoài nước không ngừng tăng theo các năm. Với các khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp du lịch cộng đồng; hình thành các tour du lịch chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025, Kim Bôi sẽ đón khoảng 400 nghìn lượt khách; năm 2030 đón khoảng 650 nghìn lượt khách. Tổng thu từ du lịch năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 460 tỷ đồng, năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.

Bên cạnh Khu du lịch (KDL) sinh thái Serena, các KDL khác trên địa bàn huyện như: khách sạn Công đoàn thuộc KDL suối khoáng Kim Bôi; An Lạc Eco Farm Hot and Springs thuộc xã Vĩnh Đồng; V-Resort Kim Bôi thuộc xã Vĩnh Tiến… cũng đang là những điểm đến thu hút khá đông du khách từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo thống kê, vào dịp cuối tuần, các KDL này đón từ 150 - 200 khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Số lượng phòng nghỉ tại các KDL cơ bản kín chỗ.

Một du khách đến tử Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Hàng năm, tôi và các chị em giáo viên trường THPT Thăng Long có ít nhất 2 lần đến Kim Bôi để nghỉ dưỡng, tận hưởng du lịch sinh thái. KDL suối khoáng Kim Bôi là điểm đến tuyệt vời, thú vị bởi ở đây, chúng tôi được tận hưởng trọn vẹn không khí trong lành, thỏa thích hòa mình vào dòng suối khoáng tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, chúng tôi rất ấn tượng với chất lượng phục vụ, giá cả các dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống hợp lý”.

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các dịch vụ du lịch tại Kim Bôi
Du lịch nghỉ dưỡng là thế mạnh của Kim Bôi

Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: "Lợi thế của vùng đất "chén vàng" là phát triển các KDL sinh thái, nghỉ dưỡng. Hiện nay, các KDL này vẫn giữ được lượng khách và doanh thu. Thông qua việc duy trì, đảm bảo hoạt động kinh doanh góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Riêng tại 3 KDL sinh thái Serena, An Lạc Eco Farm Hot and Springs, V-Resort Kim Bôi đã tạo việc làm cho khoảng 350 người lao động, chủ yếu là con em địa phương".

Có thể thấy Kim Bôi được tạo hóa ban tặng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với hệ thống hang động, những ngọn núi, cánh rừng hùng vĩ. Ngoài ra, Kim Bôi còn là vùng đất nổi tiếng về văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh đó Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của tỉnh Hòa Bình.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.