Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hoà Bình: Xây dựng thương hiệu trung tâm du lịch khu vực trung du phía Bắc

Việt Hà- Hồng Phúc - 18:12, 17/11/2021

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng nền văn hóa Hòa Bình đặc sắc được ví như "miền đất sử thi", du lịch Hòa Bình đang được đánh thức nhờ những tiềm năng phong phú này. Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực xây dựng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Mai Châu Hideaway là khu nghỉ dưỡng sinh thái tọa lạc tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình, với hệ thống nhà sàn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc.
Mai Châu Hideaway là khu nghỉ dưỡng sinh thái tọa lạc tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình, với hệ thống nhà sàn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc.

Phát huy tiềm năng du lịch

Những làng du lịch cộng đồng đang là thế mạnh du lịch của tỉnh Hoà Bình. Bên cạnh lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên thì văn hóa, là tài nguyên vô giá để tỉnh phát huy, khai thác phát triển du lịch. Ngược lại, du lịch góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa. Đây là những thế mạnh có sức hấp dẫn lớn về du lịch.

Điển hình như huyện Mai Châu - một trong những địa chỉ du lịch "hot” trên hành trình khám phá, trải nghiệm miền Tây Bắc của du khách nội địa và quốc tế. Giai đoạn 2016-2020, tổng lượng khách du lịch đến Mai Châu đạt bình quân trên 334.500 lượt/năm, tổng doanh thu từ lĩnh vực du lịch 147,4 tỷ đồng/năm. Du lịch cộng đồng (DLCĐ) phát triển mạnh đến các xã vùng sâu, vùng xa. Trên địa bàn đã phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, vui chơi giải trí cao cấp.

Sở VH-TT&DL đánh giá, hoạt động DLCĐ có đóng góp đáng kể cho tổng thu từ khách du lịch toàn tỉnh. Trong cơ cấu thu từ khách DLCĐ của tỉnh, khách quốc tế đóng góp 34,7%, khách nội địa đóng góp 65,3%. Doanh thu từ dịch vụ bán hàng ăn uống, cho thuê phòng chiếm tỷ trọng cao nhất (82%), số thu từ các dịch vụ còn lại chiếm 18%. Để tiếp tục phát huy thế mạnh, lợi ích DLCĐ, tỉnh đang triển khai các nội dung của Đề án phát triển DLCĐ gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh đến năm 2030.

Bản đồ du lịch của Hoà Bình trải dài qua địa bàn TP Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, hồ Hòa Bình với cảnh quan thiên nhiên tựa "vịnh Hạ Long trên núi”. Không chỉ có các sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc các dân tộc, tỉnh cũng đang xây dựng những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao để thu hút nguồn khách có mức chi tiêu cao. Ví như các khu nghỉ dưỡng cao cấp: Serena (Kim Bôi); Ecologe, Hideway (Mai Châu)... Một số dự án du lịch có khách sạn 5 sao trên hồ Hòa Bình, dự án cáp treo ở TP Hòa Bình... đang triển khai hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách”.

 Theo báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 30/12/2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch Hòa Bình đang từng bước đạt được các tiêu chí cơ bản để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Lượng khách du lịch và tổng thu từ du lịch của tỉnh có mức tăng trưởng bình quân khá tốt, đạt trên 10%/năm, chỉ giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đưa ngành công nghiệp “không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

2 năm qua, dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, xã hội trên cả nước. Ngành du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình cùng các thành viên đang xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn để sẵn sàng đón, phục vụ khách trong hai tháng cuối năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị kích cầu du lịch trong tình hình mới chủ đề “Hòa Bình là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn với nhiều sản phẩm mới độc đáo, chất lượng cao” ngày 29/10 vừa qua, bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, tùy theo diễn biến của dịch COVID-19, nếu thuận lợi, Hòa Bình sẽ tổ chức một số sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quy mô lớn như: Lễ hội Đất Mường, Lễ hội khai hạ Mường Bi, Lễ hội văn hóa Mo Mường, Cuộc thi Đại sứ Du lịch Hòa Bình, Chương trình Quảng bá Văn hóa - Du lịch Hòa Bình tại Hà Nội, Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh, Hòa Bình đăng cai tổ chức môn Xe đạp tại SEA Games 31… Những sự kiện trên là cơ hội thu hút du khách đến với Hòa Bình và là dịp để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch.

Mai Châu Hideaway là khu nghỉ dưỡng sinh thái tọa lạc tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình, với hệ thống nhà sàn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc.
Mai Châu Hideaway là khu nghỉ dưỡng sinh thái tọa lạc tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình, với hệ thống nhà sàn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc.

Du lịch của tỉnh Hoà Bình được định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, có trên 6 nghìn phòng lưu trú; 4,9 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt 5,4 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động; xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đạt các điều kiện của Khu du lịch quốc gia vào năm 2025.

Đến năm 2030 có kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao; cơ sở lưu trú đạt trên 10 nghìn phòng; đạt 7,3 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 47 nghìn lao động; khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh…, hướng đến là trung tâm du lịch vùng trung du phía Bắc.

Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt như: đẩy mạnh truyền thông quảng bá hình ảnh của tỉnh; huy động các nguồn lực đầu t­­ư xây dựng hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch...

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.