Chiều ngày 15/11, trong chuyến công tác tại Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, làm việc với Đồn biên phòng Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.
Cùng dự cuộc làm việc có đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các cơ quan, ban ngành, địa phương và bà con đồng bào các xã biên giới.
Đồn Biên phòng Đàm Thủy được thành lập ngày 23/12/1977, đứng chân tại địa bàn xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Năm 2020, Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo huyện Trùng Khánh và chỉ huy Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh… trên địa bàn. Thủ tướng cũng nghe đại diện bà con nhân dân xóm Bản Giốc chia sẻ về đời sống, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tham gia bảo vệ an ninh biên giới… Các ý kiến khẳng định bà con rất tin tưởng, chấp hành tốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng bày tỏ vui mừng được đến thăm, nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ biên phòng, công an và nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh trong chuyến công tác đến thăm và làm việc với tỉnh Cao Bằng, tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.
Trùng Khánh là địa phương có nhiều nét đặc sắc, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác của tỉnh Cao Bằng. Huyện có các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng cả nước như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần; có tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu với hơn 93km đường biên giới, dài nhất tỉnh Cao Bằng, 2 cửa khẩu với Trung Quốc; có nhiều sản phẩm nông nghiệp được nhiều người biết đến như hạt dẻ Trùng Khánh, quýt Quang Hán, bánh khảo Thông Huề…
Thủ tướng nêu rõ, Trùng Khánh là một huyện miền núi, biên giới xa xôi, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị của địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cao Bằng nói riêng và huyện Trùng Khánh có nhiều thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên...
Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đạt được rất cơ bản của huyện Trùng Khánh trong điều kiện rất khó khăn về cơ sở vật chất và các điều kiện khác để thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, vừa bảo đảm trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, vừa phòng chống dịch COVID-19.
Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa như hạ tầng còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn… Tình trạng buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Thủ tướng nhấn mạnh, càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết thống nhất, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhau, trao đi đổi lại để tìm ra cách làm tốt nhất. Ông chia sẻ với đồng bào, đồng chí câu ca dao: "Non cao cũng có đường trèo - Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi". Ngoài các điều kiện về cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện, cần phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa với lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết thống nhất, tinh thần tương thân – tương ái, dựa vào điều kiện tự nhiên để bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương.
Tập trung vào 2 chương trình trọng tâm và 3 nội dung đột phá
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu huyện Trùng Khánh tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ XX về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; hướng dẫn số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế về đánh giá cấp độ dịch và các quy định khác có liên quan. Việc phòng chống dịch phải trên quan điểm tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm, là chủ thể, lấy cấp cơ sở làm nền tảng.
Trong quá trình thực hiện, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể, dám nghĩ, dám làm, khai thác tối đa cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt, tất cả vì lợi ích chung.
Dành nhiều thời gian phân tích, gợi mở các định hướng phát triển lớn của địa phương thời gian tới, Thủ tướng tán thành cao và đề nghị Trùng Khánh tập trung vào 02 chương trình trọng tâm và 03 nội dung đột phá mà Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định đúng. Hai chương trình trọng tâm là Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và Phát triển đô thị thị trấn Trùng Khánh, thị trấn Trà Lĩnh. Ba nội dung đột phá là về phát triển du lịch, dịch vụ bền vững; phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa, gắn với chế biến và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Thủ tướng lưu ý việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng chiến lược để tạo động lực phát triển, không gian phát triển mới, thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Thủ tướng lưu ý cần quan tâm, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc của huyện, coi đây là nguồn lực quan trọng của Trùng Khánh; thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo 2,5% trong năm mà huyện đã đề ra; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế. Khẩn trương triển khai hiệu quả theo hướng lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; về phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và về xây dựng nông thôn mới.
Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước
Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề rất quan trọng là quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, Nhà nước: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi… Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.
Về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Cao Bằng và huyện Trùng Khánh cần xây dựng kế hoạch, các biện pháp cụ thể về quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực với các địa phương tiếp giáp của nước bạn, phấn đấu để quan hệ giữa hai nước, hai địa phương xứng tầm với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vì lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đường biên giới quốc gia; giữ vững hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới để thúc đẩy giao lưu, hợp tác, hữu nghị và phát triển; không để ảnh hưởng đến tổng thể cục diện ổn định, hữu nghị, hợp tác trong quan hệ với nước bạn.
Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trùng Khánh tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và 3 văn kiện pháp lý quan trọng về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc (Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền).
Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch, có cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược; tranh thủ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), góp phần thúc đẩy hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc phục vụ phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.
Cấp ủy, chính quyền, người dân tỉnh Cao Bằng nói chung và huyện Trùng Khánh nói riêng cần coi việc quản lý, bảo vệ tốt đường biên, mốc giới, phát triển đường biên giới với Trung Quốc thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên. Theo dõi sát tình hình thực địa, kịp thời phát hiện và chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam và của phía bạn xử lý các vi phạm về đường biên giới bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các thỏa thuận liên quan giữa hai nước, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với truyền thống cách mạng, đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh sẽ khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra; phấn đấu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.