Nhà chung cộng đồng
Ở tỉnh Quảng Nam, gươl của người Cơ-tu; âng của người Ve, Tà Riềng (thuộc dân tộc Giẻ Triêng) hoặc dư plây của người Cor… đều được xem là nhà chung cộng đồng phục vụ cho việc sinh hoạt, hội họp, đón tiếp khách của làng. Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc cúng tế thần linh trong dịp ăn tết mùa, đón năm mới, kết nghĩa anh em giữa các làng, nóc. Vì thế, nhà làng trở thành không gian chung, được dựng nên từ sức mạnh và tinh thần đoàn kết của cộng đồng miền núi. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, nhiều nhà làng truyền thống của đồng bào đã bị mai một, có thời điểm “biến mất” khỏi cuộc sống cộng đồng vùng cao, khiến nhiều người tiếc nuối.
Khoảng đầu thập niên 2000, một số địa phương miền núi chủ trương khôi phục nhà làng, xem đây là một trong những dự án bảo tồn văn hóa truyền thống cho đồng bào. Chủ trương đó, sau này được đưa vào nghị quyết của cấp ủy đảng, giúp nhà làng được “tái sinh”. Không chỉ nhà làng, đồng bào Cơ-tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang còn khôi phục cả moong (nhà sinh hoạt gia đình), gươl tô bhúh (nhà tộc họ) phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.
Già làng Clâu Nhấp, ở thôn Pơr’ning (xã Lăng, huyện Tây Giang) cho hay, từ chủ trương của huyện, năm 2005, đồng bào Cơ-tu địa phương đã tổ chức xây dựng không gian nhà làng truyền thống trên mặt bằng dân cư mới, với quy mô lớn nhất huyện. Ngoài gươl mẹ (gươl chung của làng), xung quanh còn có 9 gươl con (gươl tô bhúh) tượng trưng cho 9 tộc họ trong làng. Tùy mức độ sự kiện lớn nhỏ, có thể được tổ chức tại gươl mẹ hay gươl tô bhúh. “Gươl của người Cơ-tu được làm hoàn toàn bằng gỗ nên rất chắc và có độ bền cao. Gươl như hồn người Cơ-tu nên phải được gìn giữ và bảo tồn. Chỉ có điều, công việc tìm nguyên vật liệu gỗ, mây rừng không còn như trước đây”, già Nhấp chia sẻ.
Bài toán vật liệu thay thế
Những năm gần đây, sau thời gian phục hồi, nhiều nhà làng ở vùng cao đã bị hư hỏng nặng, cần được sửa chữa, bảo tồn. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại vướng phải một trở ngại lớn, khiến nhà làng đang đứng trước nguy cơ biến dạng. Khan hiếm vật liệu tự nhiên, ở một số vùng, không còn cách nào khác, đồng bào chấp nhận bê tông hóa nhà làng truyền thống một cách bất đắc dĩ. Từ Phước Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức… bây giờ, nhiều nhà làng đã được bê tông hóa, làm mất đi vẻ đẹp xưa cũ.
Nghệ nhân Dương Lai, dân tộc Cor, ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My) cho rằng, trước khó khăn về vật liệu gỗ, dù không muốn nhưng việc thay thế bằng vật liệu xi măng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc bê tông chỉ cho phép ở phần trụ, còn phên, sạp và một số kiến trúc khác phải được giữ nguyên trạng, đảm bảo “hồn cốt” cho nhà làng truyền thống. “Phên nhà làng có thể tận dụng gỗ keo, gỗ mít để đóng; sạp có thể làm bằng tre, nứa; mái lợp lá cọ, lá mây. Nếu bê tông hết từ đầu đến cuối, nhà làng sẽ như một khối xi-măng, không ra gì hết. Mà đã có nhiều vùng làm như thế rồi, không giống văn hóa của người Cor chút nào”.
Cũng theo ông Lai, nhà làng của đồng bào Cor xưa vốn được làm theo kiểu nhà dài ở từng nóc, là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình. Mọi chuyện sinh hoạt, cúng tế đều diễn ra tại đây. Tuy nhiên, nhà làng của người Cor đã bị mai một dần rồi biến mất trong đời sống cộng đồng. Vì thế, bây giờ nếu phục hồi cũng nên giữ theo kiến trúc truyền thống để thế hệ trẻ người Cor hiểu rõ hơn về văn hóa cha ông ngày trước.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam trăn trở, ở tại nhiều cộng đồng, nhà ở của đồng bào DTTS, nhất là tại các khu tái định cư chủ yếu theo kiến trúc người miền xuôi. Do vậy, việc khôi phục, sửa chữa nhà làng truyền thống của đồng bào DTTS gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm. Bên cạnh đó, số nghệ nhân dân gian - những người được coi là “báu vật sống”, lưu giữ một kho tàng văn hóa dân tộc đang ngày càng hiếm. Do vậy, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để có giải pháp tốt hơn.
Việc khôi phục, sửa chữa nhà làng truyền thống của đồng bào DTTS gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm. Bên cạnh đó, số nghệ nhân dân gian - những người được coi là “báu vật sống”, lưu giữ một kho tàng văn hóa dân tộc đang ngày càng hiếm”.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam