Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Khiên trong đời sống đồng bào Ca Dong

Nguyễn Văn Sơn - 08:32, 05/08/2024

Khiên là loại công cụ che đỡ, phòng vệ rất hữu ích của đồng bào Ca Dong (thuộc dân tộc Xơ Đăng) trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thuở xưa. Từ xa xưa, khiên đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bảo vệ thôn, làng của các chàng trai Ca Dong dũng cảm. Khiên còn được người Ca Dong sử dụng như đạo cụ tham gia những điệu múa cồng chiêng của nam nữ trong các lễ hội truyền thống.

Già Đinh Văn An ở tại thôn 6, xã Trà Bui đang làm khiên.
Già Đinh Văn An ở tại thôn 6, xã Trà Bui đang làm khiên

Già Đinh Văn An (80 tuổi), người Ca Dong ở tại thôn 6, xã Trà Bui An, huyện Bắc Trà My cho biết, xưa kia, người Ca Dong sinh sống trong môi trường rừng núi có nhiều thú dữ, nên khiên được xem là loại vũ khí tự vệ không thể thiếu của đàn ông Ca Dong. Ở làng người Ca Dong nào cũng có khiên treo trên vách nhà làng truyền thống, để thỉnh thoảng trai làng mang ra tập luyện phòng vệ. Đàn ông Ca Dong khi đi lên rẫy, vào rừng luôn mang theo khiên giáo, mác, ná kèm theo con dao đề phòng sự tấn công từ bên ngoài của những loài thú lớn.

Để làm ra được một cái khiên, phải mất rất nhiều công đoạn và tuân thủ các luật tục của người Ca Dong. Khiên được làm từ gỗ nguyên thân và sử dụng các dụng cụ như dao, rìu, đục… Người chịu trách nhiệm cúng khiên phải là người lớn tuổi nhất trong gia đình hoặc già làng. Nghi thức cúng khiên được thực hiện bằng việc lấy tiết gà bôi lên miếng gỗ làm khiên để cầu mong thần linh che chở và ban những điều may mắn khi sử dụng khiên.

Già An (bên phải) đang kể cho tác giả nghe về khiên trong đời sống đồng bào Ca Dong.
Già An (bên phải) đang kể cho tác giả nghe về khiên trong đời sống đồng bào Ca Dong

Khiên được đàn ông Ca Dong đẽo từ miếng gỗ lim mỏng, dáng hình thoi, cao: 63 cm, rộng: 28,5 cm, phía ngoài bịt da trâu, được lấy từ lễ hiến sinh trâu sau khi cộng đồng thực hiện nghi lễ ăn mừng lúa mới của làng. Bên trong có 2 quai móc vòng cung bằng cây mây được gắn chặt vào miếng gỗ có hình bán nguyệt để dễ dàng luồn tay vào khi sử dụng.

Ngoài để phòng vệ, khiên còn được người Ca Dong sử dụng như đạo cụ tham gia những điệu múa cồng chiêng của nam nữ trong các lễ hội truyền thống như: Lễ mừng chiến thắng, Lễ trưởng thành, Lễ ăn trâu huê mừng được mùa, Lễ cúng bến nước... Điệu múa khiên thường có 2 hoặc 4 người, thể hiện tư thế dũng mãnh của các chàng trai. Lúc chống đỡ, khi tấn công tay cầm dao, tay cầm khiên phải vung lên, đưa xuống nhịp nhàng. Nhịp điệu lúc múa khiên nhằm giúp cho lễ hội thêm rộn ràng, sôi động.

Già An đang tái diễn trong từng động tác múa khiên.
Già An đang tái diễn trong từng động tác múa khiên.

Để giúp chúng tôi hiểu hơn điệu múa khiên của người Ca Dong, già Đinh Văn An cầm chiếc khiên bước ra vườn biểu diễn múa khiên của người Ca Dong. Già An tay phải cầm khiên, tay trái cầm con dao tái diễn trong từng động tác múa khiên. Động tác múa khiên của ông An mô phỏng tư thế một chiến binh đang đánh trận với điệu nhảy thể hiện nét oai phong, hùng dũng khi gạt, khi đẩy xô về phía trước, khi thì nhảy tiến lên lao thẳng, khi nhảy lùi, thu gọn khom người về phía sau.

Khiên cùng con dao mà già An đã tặng cho Bảo tàng Quảng Nam
Khiên cùng con dao mà già An đã tặng cho Bảo tàng Quảng Nam

Kết thúc bài múa khiên, già An trầm giọng xuống, già bảo khiên đã gắn bó với tôi bao kỷ niệm buồn vui trên hành trình lập làng, dời làng từ những năm còn định cư trên núi cao. Ngày nay việc chế tác cũng như sử dụng khiên đối với người Ca Dong chúng tôi hầu như không còn nữa. Già An đã quyết định tặng lại khiên này cho Bảo tàng tỉnh để lưu giữ và phục vụ trưng bày lâu dài. Còn với chúng tôi, những người làm công tác văn hóa rất vui mừng vì đã có thêm hiện vật dân tộc học của đồng bào Ca Dong qúy giá, góp phần làm phong phú hơn trong kho tàng văn hoá vật thể, phi vật thể trong bức tranh tổng thể 54 dân tộc Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.