Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nam Trà My (Quảng Nam): Tận dụng các nguồn lực để giảm nghèo bền vững

T.Nhân-H.Trường - 05:57, 09/12/2023

Nam Trà My là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi tập trung sinh sống lâu đời của các DTTS như: Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), Mnông, Co… Những năm qua, vấn đề giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền và người dân nơi đây. Tận dụng nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nông thôn mới, huyện Nam Trà My đã lồng ghép thêm các nguồn lực từ địa phương, chính sách đầu tư của tỉnh để giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Các cấp chính quyền huyện Nam Trà My thường xuyên quan tâm, hỗ trợ để người dân địa phương thoát nghèo
Các cấp chính quyền huyện Nam Trà My thường xuyên quan tâm, hỗ trợ để người dân địa phương thoát nghèo

Những kết quả khả quan

Theo ông Đặng Duy Ba - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Nam Trà My, trong năm 2023, huyện được tỉnh giao chỉ tiêu phấn đấu giảm 376 hộ nghèo. Thực hiện nhiệm vụ được giao, chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện. Đến nay, kết quả rà soát sơ bộ ban đầu cho thấy, số hộ nghèo được giảm trong năm qua là 457 hộ, hiện nay số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 3.152 hộ nghèo (chiếm 38,6%, giảm 6,04%) và số hộ cần nghèo là 377 hộ (chiếm 4,62%). Một số xã có số hộ nghèo giảm vượt số lượng được giao như Trà Don (86/41); Trà Leng (50/47); Trà Linh (48/46); Trà Vinh (51/41).

Để có được kết quả như trên, huyện Nam Trà My đã tận dụng tốt nguồn lực từ các Chương trình MTQG, đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ vốn, cầm tay chỉ việc, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm để người dân tự vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo đối với gia đình ông Đinh Văn Tư (thôn 2, xã Trà Don) là một sự nỗ lực rất lớn. Từ việc thiếu ăn, thiếu mặc đến nay, vợ chồng ông đã sở hữu một vườn quế lớn hơn 1.000 cây đang khai thác, hơn 3.000 cây quế nhỏ khoảng ba năm tuổi; một đàn bò năm con. Ngoài ra, trong khu vườn của vợ chồng ông còn trồng thêm nhiều cây cau, mít, hoa màu...

Từ số vốn 50 triệu đồng vay của Phòng giao dịch Chính sách Xã hội huyện Nam Trà My, nhờ chí thú làm ăn sau 5 năm, vợ chồng ông Tư đã trả xong nợ và cũng tích cóp được số vốn kha khá.

 “Khi được cán bộ xã vận động đăng ký vay vốn dành cho cho hộ nghèo, vợ chồng tôi đã bàn bạc và quyết định vay để làm ăn kinh tế. Sau khi vay được vốn, chúng tôi đầu tư vào trồng quế, nuôi bò. Mới đây, gia đình tôi và một số hộ dân được hỗ trợ thêm cây giống quế để trồng mở rộng. Hiện nay, gia đình cũng đang trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh. Chúng tôi hy vọng sẽ thuận lợi trong làm ăn để cuộc sống ngày càng tốt hơn” ông Tư chia sẻ.

Việc hỗ trợ cây sâm Ngọc Linh giống đã giúp cho nhiều hộ đồng bào DTTS ở Nam Trà My vươn lên làm giàu
Việc hỗ trợ cây sâm Ngọc Linh giống đã giúp cho nhiều hộ đồng bào DTTS ở Nam Trà My vươn lên làm giàu

Nhìn căn nhà khang trang, cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt hiện đại của gia đình anh Trần Văn Vối (thôn 1, xã Trà Don), ít ai biết rằng, chỉ 1-2 năm trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo. Nhờ được cán bộ địa phương hướng dẫn cách nuôi bò, trồng keo, trồng chuối…, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh còn dư hơn 50 triệu đồng. Anh Vối cho hay: Nhờ được cán bộ hướng dẫn rồi hai vợ chồng quyết tâm làm ăn đến nay cuộc sống đã tạm ổn, con cái được học hành đầy đủ. Tất cả là nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Nhà nước.

Ông Đặng Duy Ba cho biết: Số liệu thống kê hiện nay, chưa phải là kết quả cuối cùng, bởi chính quyền huyện đang tiến hành phúc tra lại số liệu giảm nghèo, kiểm tra thực tế ở từng xã. Nhưng con số ban đầu đã cho thấy những tác động tích cực từ các chính sách tổng lực dành cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có Nam Trà My. Từ các Chương trình MTQG gồm: Giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nông thôn mới, các nguồn lực đã được lồng ghép hiệu quả, tác động tích vào đời sống Nhân dân, làm cho kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Quyết tâm giảm nghèo của chính quyền địa phương

Là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, ông Lê Trung Thực, Chủ tịch UBND xã Trà Don cho biết: Một trong những khâu quan trọng nhất trọng nhất thực hiện việc giảm nghèo, là phải tích cực tuyên truyền cho người dân, để họ nhận thức được mà tự lực vươn, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 “Có một thực tế là có một số người dân vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ, ưu tiên của chính quyền, mà không muốn thoát nghèo. Vì vậy, cán bộ xã, thôn phải tăng cường vận động, phân tích để người dân thấy được giá trị của việc tự chủ về kinh tế”, ông Thực nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thực, trong năm 2023, huyện giao cho xã chỉ tiêu giảm được 41 hộ nghèo. Sau nhiều nỗ lực của cả cán bộ và người dân, xã đã giảm được 86 hộ nghèo, hơn gấp đôi số lượng được giao. Trong rà soát hộ nghèo năm 2023 vừa qua, xã công khai kết quả rà soát hộ nghèo sau rà soát tại thôn để cộng đồng thôn cùng xem xét. Qua đó, giúp việc phân loại hộ nghèo được chính xác hơn.

Còn theo ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi của công tác giảm nghèo. Vì vậy, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. 

UBND xã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, từng bước nâng cao được tay nghề, kiến thức, kinh nghiệm… để người dân áp dụng vào sản xuất hiệu quả. Địa phương đã tập trung vận động Nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, triển khai đầy đủ các chính sách của Nhà nước như hỗ trợ  vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây con giống, nhận đỡ đầu các hộ nghèo… Nhờ đó, người dân có được “bệ đỡ” để vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất được hình thành trên địa bàn huyện, bước đầu đem lại hiệu quả
Nhiều mô hình liên kết sản xuất được hình thành trên địa bàn huyện, bước đầu đem lại hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Tổng nguồn vốn các Chương trình MTQG phân bổ trên địa bàn huyện Nam Trà My năm 2023 là hơn 177,7 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn năm 2022 kéo dài hơn 45 tỷ đồng. Riêng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Nam Trà My được đầu tư hơn 115,3 tỉ đồng cho các dự án, hợp phần của chương trình.. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm nghèo ở địa phương.

Chính quyền huyện Nam Trà My đã triển khai các chính sách giảm nghèo cho các đối tượng thụ hưởng, như: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức nhóm tổ cộng đồng; liên kết, tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình, dự án liên kết theo tiềm năng, lợi thế, phù hợp với quy hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Chúng tôi đặt mục tiêu mỗi năm giảm khoảng 500 hộ nghèo, cận nghèo. Vì thế, chính quyền luôn quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo. Các đơn vị được phân công giúp đỡ hộ nghèo bám sát, hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo... ”, ông Dũng cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.