Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Khi những “ông trẻ” về xã: Phận nữ nhi ở vùng đất khó (Bài 3)

Phạm Việt Thắng - 12:22, 30/06/2022

Thật ái ngại cho “bà trẻ” Vi Thị Đắm khi được điều về làm “nữ tướng” Bảo Thắng, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Thế nhưng khi gặp vị nữ Bí thư trẻ này, thì mọi lo lắng trong chúng tôi đều tan biến. Cô tươi rói, cả quyết: Trong cái khó chắc chắn sẽ ló cái hay.


Bí thư trẻ Vi Thị Đắm rất sốt ruột bên giàn bầu không đậu quả
Bí thư trẻ Vi Thị Đắm rất sốt ruột bên giàn bầu không đậu quả

Những vườn cây không quả

Đường vào xã BảoThắng có lẽ là con đường xấu nhất ở huyện Kỳ Sơn, đầy rẫy ổ voi, ổ gà. Đã thế thỉnh thoảng lại bị sạt lở, nguy hiểm rình rập từng giờ. Hơn hai giờ đồng hồ chạy xe, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Bảo Thắng. Cô Đắm, tên đầy đủ là Vi Thị Đắm nở một nụ cười rất tươi để đón khách, và xin lỗi vì đang bận duyệt chương trình đại hội cho một Chi bộ. Nhân cơ hội này, tôi “đột nhập” phòng ở của nữ Bí thư xem vị “nữ tướng” trẻ này ăn ở ra sao. Một căn phòng nho nhỏ, xếp đặt rất ngăn nắp. Ngoài chiếc giường ngủ được kê sát tường, thì “tài sản” giá trị còn lại là bộ bàn ghế làm việc, một quạt cây và một đèn bàn, loại rẻ tiền.

Xong việc, Đắm dẫn chúng tôi tham quan khu làm việc của xã, giới thiệu tỉ mỉ từng cán bộ trong cơ quan. Đoạn cô nói, ở Bảo Thắng gần như 100% là đồng bào Khơ Mú, rất nhiều người không biết tiếng phổ thông. Và tôi đã giật mình, phải hỏi đi hỏi lại vị Bí thư trẻ mấy lần về tỷ lệ hộ nghèo của xã – 82%. 

“Ngày đầu tiên về Bảo Thắng nhận công tác, tôi cũng đã rất choáng vì không nghĩ tỷ lệ hộ nghèo lại cao như thế. Tìm hiểu mới hay, đất đai thì bạc màu, khí hậu rất khắc nghiệt. Đấy anh xem, rừng cũng toàn tre, nứa, được mấy cây gỗ lớn đâu”, Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Thắng Vi Thị Đắm tâm sự.

Tuy mới về Bảo Thắng được hơn một tháng, nhưng “bà trẻ” Đắm đã tương đối rành rẽ địa bàn. Cô cho biết, xã có 5 bản thì cô đã thăm được 4, gặp gỡ bà con tương đối nhiều. Đắm nói, vừa nghe báo cáo vừa phải về với dân thì mới nắm hết được tình hình, nhất là tâm tư nguyện vọng của bà con. Do đi thực tế, tôi mới phát hiện ra những vườn cây tuy xanh tốt nhưng không hề có quả. Nào là mít, bầu, bí…cây phát triển tốt nhưng gần như không đậu được quả nào. Nguyên nhân theo bà con là thổ nhưỡng và khí hậu ở đây không thuận lợi cho trồng trọt.

Khó là thế, nhưng Bảo Thắng có hai thành tích rất đáng tự hào, đó là xã được công nhận là địa bàn sạch về ma tuý, đồng thời từ cán bộ đến toàn dân đều một lòng đoàn kết, tuyệt đối không có hiện tượng chia rẽ trong cộng đồng.

Theo chân vị “nữ tướng”, chúng tôi cùng về bản Cha Ca 1, tận mắt chứng kiến những giàn bầu tươi tốt, nhưng không hề đậu quả. Đắm lắc đầu ngao ngán bên giàn bầu của gia đình bà Moong Bà Châu: “Anh xem thế này thì dân xã tôi làm sao mà khá lên được. Nóng ruột lắm”.

Quý mến nữ Bí thư, bà Moong Bà Châu (đội khăn) đã không tiếc vò rượu cần chuẩn bị đón con dâu, để đãi khách
Quý mến nữ Bí thư, bà Moong Bà Châu (đội khăn) đã không tiếc vò rượu cần chuẩn bị đón con dâu, để đãi khách

“Thương Bí thư lắm”

Dù bà Châu trân trọng mời lên nhà, nhưng chúng tôi vẫn nhất quyết quây quần dưới sàn. Đắm nói, đến với dân phải mộc mạc, họ ngồi đâu thì mình ngồi đó, họ ăn gì, mình ăn nấy, thì dân mới quý.

Tôi hỏi bà Châu có biết Bí thư mới về xã không? Bà cười rõ tươi, rằng có nghe nói nhưng giờ mới gặp.

Tôi hỏi tiếp, thế bà Châu nghe những gì về nữ Bí thư trẻ? Ồ, nghe nói Bí thư phải gửi lại con nhỏ cho người thân để vào đây công tác. Vào cái xã nghèo này thì vất vả lắm. Nghe họ kể chuyện mà ta thấy thương Bí thư lắm.

Vừa nói gì đó bằng tiếng Khơ Mú mà tôi không hiểu, bà Châu vừa hớt hải chạy lên nhà ôm một vò rượu cần để đãi khách. Đắm “thông ngôn” cho tôi, bà ấy bảo đây là rượu bà ấy ủ để chuẩn bị đón con dâu gốc (dâu cả) từ Hải Phòng về, nhưng quý Bí thư quá nên đem ra mời trước, chiều bà ấy sẽ ủ vò khác.

Tôi vốn không hạp rượu cần, nhưng trước tình cảm của bà Châu thì không thể từ chối, phải cạn đến mấy sừng.

Lâng lâng men rượu, tôi mạnh bạo hỏi Đắm về các con. “Tôi có hai con gái, giờ phải gửi chị gái ở xã Chiêu Lưu chăm sóc. Mình vào đây công tác, cố gắng lắm thì cũng phải một tuần mới về nhà được một lần, có khi phải vài tuần, mà các cháu thì còn nhỏ. Biết làm sao được, mẹ cũng phải cố gắng và con cũng phải cố gắng thôi. Anh xem, bà con toàn nói tiếng Khơ Mú, mình muốn hiểu được họ thì phải học tiếng thôi, bận bịu lắm. Trao đổi trực tiếp với dân bằng ngôn ngữ của họ, mình hiểu bà con hơn, và họ cũng quý mình hơn”, nữ Bí thư chia sẻ.

Cùng thả bộ ở bản Cha Ca 1 nghèo khó mà yên bình, Bí thư Đắm say sưa nói về việc tạo sinh kể để bà con sớm thoát nghèo. Cô cho hay, tôi đã tham vấn nhiều người dân có kinh nghiệm trong làm ăn, cũng như một số kỹ sư nông nghiệp, và đã bàn trong Ban Thường vụ, chúng tôi sẽ tập trung phát triển chăn nuôi trâu bò. Còn về trồng trọt, trước mắt sẽ cho trồng thử nghiệm cây mít Thái – loại cây chịu được khí hậu khắc nghiệt như ở Bảo Thắng. “Theo kinh nghiệm dân gian thì ở đâu nhiều tre, nứa sẽ dễ cho phát triển chăn nuôi. Anh biết vì sao không? Vì trâu, bò ăn măng sẽ phát triển rất nhanh”, nữ Bí thư rất tự tin.

Câu hỏi cuối cùng của tôi dành cho “bà trẻ” Đắm là, cô có lời thề gì khi về với vùng đất nghèo khó này? Đắm thẳng thắn, tôi không dám hứa gì nhiều, chỉ dám khẳng định, ngày rời Bảo Thắng sẽ để lại dấu ấn khó phai!

Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.