Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Khi những “ông trẻ” về xã: “Tấn công” vào tư tưởng cục bộ (Bài 2)

Phạm Việt Thắng - 10:26, 29/06/2022

Từng là Chủ tịch xã, lại được thừa hưởng thành quả của người tiền nhiệm, Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn – Nghệ An) Lầu Bá Xềnh, rất tự tin trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Mà theo anh là không thể không dựa vào dân, trong đó phải biết phát huy vai trò của Người có uy tín.

“Ông trẻ” Lầu Bá Xềnh vanh vách giới thiệu về diện tích, tuổi đời của các lứa cây
“Ông trẻ” Lầu Bá Xềnh vanh vách giới thiệu về diện tích, tuổi đời của các lứa cây

Ưu tiên củng cố khối đại đoàn kết

Ngoài thời gian đi học, thì Lầu Bá Xềnh chưa từng xa Nậm Càn, quê hương anh. Anh cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành trồng trọt – Trường Cao đẳng kinh tế Nghệ An, Xềnh được về ngay chính quê mình công tác, với vai trò là cán bộ văn phòng UBND xã. Hết thời hạn hợp đồng, anh chính thức trở thành cán bộ nông nghiệp xã, rồi được điều sang văn phòng Đảng uỷ, được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Đảng uỷ.

 Say sưa cống hiến, không ngại gian khó, vừa làm vừa khiêm tốn học hỏi nên Lầu Bá Xềnh được Nhân dân quý mến, được cấp trên ghi nhận. “Mình là con em của xã, được ăn học, được về xã công tác, hơn ai hết mình phải tận tâm làm việc, cống hiến cho quê hương”, Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Càn Lầu Bá Xềnh tâm sự.

Năm 2021, sau khi Bí thư Rê được điều về huyện, làm Phó Chủ tịch, Lầu Bá Xềnh được tín nhiệm bầu vào chức danh Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Càn. Anh chia sẻ: Được bầu làm Bí thư Đảng uỷ vừa là vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề, làm sao để không chỉ giữ vững mà phải đưa phong trào đi lên, mà nhiệm vụ trước hết là phải xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo một cách bền vững, trong đó, đoàn kết là ưu tiên số một, vì đó là sức mạnh.

Nói về những khó khăn của Nậm Càn, Bí thư Xềnh cho biết: Nậm Càn là xã giáp biên với nhiều huyện của nước bạn Lào. Trước đây, địa bàn này liên tục bị bọn Phỉ quấy phá, gây mất an ninh trật tự, bà con rất hoang mang. Cùng với đó là tư tưởng cục bộ của một số cán bộ cũng như một bộ phận bà con, nhất là sự cố kết thái quá của các dòng họ, dòng tộc - một trong những trở ngại cho khối đại đoàn kết toàn dân. Cho nên, chúng tôi phải vừa cương quyết, vừa mềm mỏng “tấn công” vào tư tưởng này. Trước hết, mỗi cán bộ đảng viên phải thật sự gương mẫu trong công tác, trong lối sống, phải thực sự gần gũi nhân dân, làm việc với tinh thần tận tuỵ, phục vụ dân. Ở xã chúng tôi hiện nay, tuyệt đối không có tình trạng đưa con em, người thân vào làm việc. Cứ ai có năng lực, có uy tín thì được giới thiệu, cất nhắc. Trong sinh hoạt cộng đồng, tuyệt đối không được coi trọng dòng tộc này, xem nhẹ dòng họ kia. Có như thế thì dân mới tin, mà khi dân đã tin thì họ mới nghe.

Bí thư trẻ Lầu Bá Xềnh: “Phải dựa vào dân, dựa vào người có uy tín để xây dựng khối đại đoàn kết”
Bí thư trẻ Lầu Bá Xềnh: “Phải dựa vào dân, dựa vào người có uy tín để xây dựng khối đại đoàn kết”

Dựa vào dân, dựa vào Người có uy tín

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Phải biết dựa vào dân, dựa vào những Người có uy tín để xây dựng mọi phong trào thì sẽ thành công. Xa rời dân, thiếu tôn trọng Nhân dân là hỏng việc ngay”, Bí thư Lầu Bá Xềnh khẳng định. 

Và để minh chứng cho điều mình nói, vị Bí thư trẻ kể cho tôi nghe câu chuyện xung đột giữa hai gia đình, hai dòng họ, tưởng như là truyền kiếp. 

Chuyện rằng, ở bản Nậm Khiên có một cháu bé bị ốm, gia đình nhờ cán bộ y tế đến chuyền thuốc. Rất không may, cháu đột ngột qua đời. Hai gia đình mâu thuẫn với nhau, rồi hai dòng họ khích bác nhau, nói là anh cán bộ y tế làm hại cháu bé. Từ mâu thuẫn giữa hai nhà, rồi đến hai họ, căng thẳng lắm. Chính quyền, các đoàn thể nhiều lần vào cuộc nhưng tình hình vẫn chưa yên. Nếu để kéo dài, nguy cơ xung đột sẽ rất cao và tình trạng mất đoàn kết, mất an ninh trật tự sẽ nghiêm trọng. "Ông trẻ" Lầu Bá Xềnh đã trực tiếp đi gặp các cụ lớn tuổi, là những Người có uy tín trong bản, như cụ Lầu Xay Phia, cụ Lầu Bá Ca, cụ Lầu Giống Thò, nhờ họ làm công tác hoà giải. Chỉ một thời gian ngắn, nghe được lời hay, lẽ phải, gia đình và dòng họ của cháu bé xấu số đã “hạ hoả”, hiểu ra vấn đề nên đã bỏ qua, hai gia đình lại làm hoà, đi lại với nhau như trước. 

“Không chỉ hoà giải, mà trong việc tuyên truyền các chủ trương đường lối, chúng tôi đều phải dựa vào dân, dựa vào Người có uy tín để nói cho dân hiểu, khi đã hiểu rồi thì bà con sẽ tự nguyện thực hiện”, Bí thư Lầu Bá Xềnh cho biết.

Tôi hỏi vị Bí thư trẻ về phương thức tiếp xúc với dân, ông cho biết, cứ có cơ hội là đến với bà con, chứ không chờ đến phiên tiếp dân, nhất là đi thăm các mô hình phát triển kinh tế, để vừa động viên bà con, đồng thời rút kinh nghiệm nhân rộng. Và chính ông đã đề nghị tôi cùng đi thăm mô hình trồng cây đào rừng của ông Thò Nềnh Thông ở bản Nậm Khiên. Dù ông Thông không có mặt ở rẫy, nhưng Bí thư Xềnh đã vanh vách giới thiệu cho tôi từ diện tích trang trại đến từng năm tuổi của các lứa cây. Đoạn ông chùng giọng nói, mặc dù đã giảm rất nhiều, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã chúng tôi vẫn còn cao, những 52%; đời sống của bà con tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Được cái, bây giờ nhà nào cũng cố gắng đầu tư cho con học hành.

Và điều ước của “ông trẻ” Lầu Bá Xềnh không phải là được hỗ trợ kinh phí như các cán bộ khác thường nói, mà mong Nhà nước sớm giao đất, giao rừng cho dân để bà con tập trung phát triển kinh tế. 


Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.