Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Khi những “ông trẻ” về xã: Phong cách mới, tinh thần mới (Bài 1)

Phạm Việt Thắng - 15:24, 27/06/2022

Trong công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã rất chú trọng đến cán bộ trẻ. Theo ông Xã Văn Lương, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ, thì với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần đam mê cống hiến, những “ông, bà trẻ” đã, đang và sẽ góp phần làm thay da đổi thịt bộ mặt của các địa phương.

“Từ ngày Bí thư trẻ về xã thì tinh thần và phong cách làm việc của cán bộ được thay đổi, không còn tình trạng đi sớm về muộn, rượu chè bê tha; không còn cảnh dân chờ cán bộ dài cổ nữa”. Đó là nhận xét của ông Già Tồng Thù, Bí thư Chi bộ bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Bí thư Đảng uỷ xã Na Ngoi Vừ Bá Lỳ (trái) thăm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Già Tồng Thù
Bí thư Đảng uỷ xã Na Ngoi Vừ Bá Lỳ (trái) thăm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Già Tồng Thù

Từng mất đoàn kết

“Ông trẻ” Vừ Bá Lỳ vừa được điều động về làm Bí thư Đảng uỷ xã Na Ngoi từ tháng 3/2022. Bí thư trẻ chỉ mới nhận công tác mấy tháng, nhưng không chỉ cán bộ đảng viên mà đa số bà con Nhân dân ở Na Ngoi đều cảm nhận rõ, sự thay đổi trong phong cách và tinh thần làm việc của cán bộ xã.

Bí Thư Lỳ có giọng nói rất truyền cảm, đầm ấm mà cương nghị. Anh thẳng thắn: Tôi về đây nhận công tác, rất buồn trước tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài; nào là dân kiện cán bộ, nào là cán bộ kiện nhau…Và buồn hơn là nhiều anh em cán bộ xã thiếu gần gũi Nhân dân, thiếu tinh thần phục vụ. Một số cán bộ đi làm thì ít mà đi nhậu nhẹt thì nhiều. Từ đó, sinh ra kiện cáo, đơn thư vượt cấp. “Anh có tin dân tố cáo cả chủ tịch xã lẫn phó Bí thư Đảng uỷ không. Chuyện rất thật ở xã chúng tôi đấy” – Bí thư Lỳ buồn bã nói. Đoạn ông kể, họ kiện đâu có sai. Hai gia đình tranh chấp đất đai, họ kêu đến xã, lẽ ra xã phải đứng ra giải quyết, giải thích, hoà giải…thì lại không làm gì. Thế là họ tố cáo lãnh đạo xã thiếu trách nhiệm. Mà đúng là thiếu trách nhiệm thật.

Đó là chưa kể các tệ nạn khác liên tục xẩy ra trên địa bàn. Nào là khai thác lâm sản trái phép, mâu thuẫn trong Nhân dân không được giải quyết kịp thời, dẫn đến mất an ninh trật tự. Nào là học sinh đánh nhau, chuyện tưởng nhỏ nhưng đốm lửa đó lại là nguy cơ dẫn đến xung đột giữa các bản, các dòng họ. Rồi tình trạng buôn bán ma tuý…Đã có một số vụ trọng án xẩy ra ở các bản sát biên giới. Đặc biệt, qua nắm tình hình, tôi được bà con thông báo về hiện tượng truyền đạo trái phép đang xẩy ra trên địa bàn. Nói rất thật với anh, chỉ có những chuyến đi gặp dân, thủ thỉ với họ thì mình mới nắm được tình hình. “Nếu không gần gũi với dân thì mình không thể có thông tin đầy đủ được. Và khi dân đã tin, thì họ sẵn sàng làm tai mắt, sẵn sàng cung cấp thông tin chính xác nhất cho chính quyền”, Bí thư Lỳ khẳng định.

Dẫu đường xa, trở ngại đến mấy, Bí thư Lỳ vẫn thường xuyên đi gặp gỡ bà con
Dẫu đường xa, trở ngại đến mấy, Bí thư Lỳ vẫn thường xuyên đi gặp gỡ bà con

Bắt đầu từ kỷ cương

Biện pháp đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, Bí thư Đảng uỷ Vừ Bá Lỳ đã cho thành lập tổ chấm công cán bộ, công chức xã. Ai đi muộn, ai về sớm; ai có thái độ không tốt với dân đều được phản ánh cụ thể, chi tiết. Chỉ một thời gian ngắn, kỷ cương đã được lập lại, không còn tình trạng cán bộ đi muộn về sớm, rượu chè trong giờ làm việc. “Tình trạng cán bộ đi làm thì ít, đi uống rượu hoặc đi làm việc riêng thì nhiều đã chấm dứt hẳn”, Bí thư Lỳ tỏ ra rất vui. 

Thành công bước đầu là điểm tựa để “ông trẻ” Lỳ và tập thể Ban Thường vụ Đảng uỷ tiếp tục phong trào xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, công chức với tinh thần gần dân và phục vụ Nhân dân. Bí thư Lỳ cho biết, mọi yêu cầu của Nhân dân đều đã được cán bộ giải quyết thấu đáo, hoặc được giải thích cặn kẽ, kể cả có những việc không thể giải quyết được nhưng được giải thích tỉ mỉ nên bà con cũng rất hài lòng.

Cùng với tinh thần phục vụ, một phong trào nữa cũng đã được Bí thư Lỳ phát động: Xoá nhà tạm bợ, dột nát. Với 22 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xã Na Ngoi đã từng bước giúp họ dựng lại nhà mới để bà con được an cư. Ngoài xin hỗ trợ từ các doanh nghiệp, xã Nga Ngoi đã phát động cán bộ, công chức đóng góp để góp phần giúp đỡ bà con.

 “Trước mắt, 4 đồng chí Thường trực Đảng uỷ phải giúp bằng được 2 hộ thoát nghèo; khối uỷ ban giúp đỡ 2 hộ và khối đoàn thể 2 hộ. Ngoài ra, mỗi chi bộ phải giúp ít nhất 1 hộ thoát nghèo. Chúng tôi quyết tâm, cuối năm 2022 này sẽ xoá hết nhà tạm bợ, giột nát”, ông Lỳ khẳng định.

Tôi hỏi Bí thư Lỳ về công tác kiện toàn cán bộ thôn bản đang diễn ra, ông nói ngay, Nhân dân tự lựa chọn Người có uy tín để bầu làm trưởng bản. Còn về mong muốn của cá nhân tôi, thì vừa mong chọn được Người có uy tín vừa trẻ tuổi. Đối với bà con, uy tín là số một khi lựa chọn cán bộ. “Đấy, ở bản Buộc Mú, cậu Xồng Bá Lẩu, hay bản Ca Nọi, cậu Lầu Bá Khùa, còn đang trẻ nhưng rất có uy tín nên bà con có cho nghỉ đâu”, ông Lỳ cười rõ tươi.

“Ông trẻ” Lỳ càng vui hơn khi dẫn tôi đi thăm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Già Tồng Thù. Vượt qua gần chục km đường dốc dưới cái nắng gay gắt nhưng ông bí thư trẻ vẫn không ngớt nói cười. Ông cho biết, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Na Ngoi chỉ còn hơn 45%, thấp hơn nhiều so với bình quân của toàn huyện – 57%.

Từ ngọn Pu Len, trang trại của Già Tồng Thù, Bí thư Lỳ hướng về đỉnh Phu Xai Lai Leng mà rằng: Xã đã có nghị quyết về phát triển du lịch cộng đồng. Chúng tôi cũng đã cử một một số bà con, cán bộ đi tập huấn về nghiệp vụ du lịch. Với lợi thế và tiềm năng du lịch của Na Ngoi, tôi vững tin, xã chúng tôi không chỉ thoát nghèo mà sẽ là một vùng đất giàu có…

Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.