Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khánh Hoà: Phát triển du lịch miền núi vẫn còn nhiều cái khó

T.Nhân-H.Trường - 09:21, 05/11/2024

Khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế về sinh thái, văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng động. Các địa phương miền núi của Khánh Hòa cũng đã quan tâm đến lĩnh vực này, nhưng thực tế việc phát triển du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Miền núi Khánh Hoà có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Miền núi Khánh Hoà có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Nhiều tiềm năng du lịch

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, miền núi Khánh Hòa có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Như huyện Khánh Sơn nằm ở độ cao trên 1.000m, khí hậu mát mẻ, là nơi có văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Raglai với các nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc. Khánh Sơn còn được biết đến là phát tích của bộ đàn đá được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Nhiều năm nay, đồng bào dân tộc Raglai tại huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa gìn giữ, tổ chức các nghi lễ truyền thống như lễ bỏ mã, lễ tạ ơn cha mẹ, lễ cưới, lễ ăn đầu lúa mới... Những nghi lễ này, đều có sự tham gia của cả cộng đồng nhằm gắn kết tình cảm gia đình, dòng họ, buôn làng; thể hiện ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc và triết lý sống hòa hợp với tự nhiên, vũ trụ...

Đặc biệt, huyện Khánh Sơn sở hữu tài nguyên rừng phong phú, môi trường sinh thái rừng đa dạng, cùng với địa hình đồi núi và hệ sông suối, thác là nguồn tài nguyên tự nhiên còn nguyên sơ rất có sức hấp dẫn du khách. 

Theo ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, cùng với lợi thế về văn hóa truyền thống, Khánh Sơn còn có điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, cùng với nhiều danh thắng tự nhiên độc đáo, như: Thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp), thác Dốc Quy (xã Sơn Lâm), cao nguyên Tà Giang (xã Thành Sơn), thung lũng Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp); nhiều di tích lịch sử cách mạng ý nghĩa…

Địa phương cũng có nhiều sản vật thu hút du khách, như: Các loại lâm sản, trái cây ngon đã được khẳng định thương hiệu… Đây là những tài nguyên quan trọng để Khánh Sơn tự tin với định hướng phát triển du lịch của mình.

Thác Tà Gụ một điểm đến hấp dẫn của huyện Khánh Sơn
Thác Tà Gụ - một điểm đến hấp dẫn của huyện Khánh Sơn

Huyện Khánh Vĩnh cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái núi rừng. Ngoài Khu du lịch Yang Bay quen thuộc với du khách, gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện một số mô hình mới về du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm ẩm thực địa phương, như: Suối khoáng nóng Khánh Thành; Khu du lịch sinh thái thác Zi-ông (xã Khánh Trung); Khu du lịch Giang Ly; điểm du lịch Suối Mấu - Thác Bầu (xã Khánh Thượng)... Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển du lịch của huyện chưa bài bản, công tác kêu gọi đầu tư du lịch còn gặp nhiều khó khăn, công tác truyền thông quảng bá du lịch còn hạn chế.

Cần tháo gỡ những điểm nghẽn

Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng việc phát triển du lịch tại các huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn do việc đi lại còn cách trở; nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng còn hạn chế, nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng còn thiếu, nhân lực chưa đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ khách. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương trong quản lý và phát triển du lịch cộng đồng còn thiếu chặt chẽ; việc thu hút đầu tư và hỗ trợ tài chính cho du lịch cộng đồng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch…

Văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS là một điểm mạnh để các huyện miền núi phát triển du lịch
Văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS là một điểm mạnh để các huyện miền núi phát triển du lịch

Theo ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, huyện có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác đúng mức, chủ yếu do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Tỉnh lộ 9, con đường duy nhất kết nối Khánh Sơn với các vùng lân cận còn nhỏ hẹp và khó đi lại. Huyện cần một hệ thống giao thông liên vùng để phá thế độc đạo của tuyến Tỉnh lộ 9, kết nối với các tuyến đường khác, tạo thành mạng lưới giao thông đa dạng, cơ động, từ đó tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát triển du lịch, huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã xây dựng và đang triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Sở Du lịch Khánh Hoà cũng đã làm việc với các địa phương về định hướng phát triển du lịch, trong đó có việc phát triển du lịch cộng đồng và các địa phương đều rất mong muốn phát triển loại hình du lịch này.

Bà Ca Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chia sẻ: Nền kinh tế huyện còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo cao nên du lịch khó phát triển. Bên cạnh đó, còn nhiều trở ngại như: Thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng; các khu, điểm vui chơi giải trí tư nhân chưa phát triển; các khu thương mại chưa hình thành; các sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương còn đơn giản, thô sơ; cơ sở lưu trú còn ít, chưa đạt chuẩn…

Các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS luôn cuốn hút khách du lịch
Các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS luôn cuốn hút khách du lịch

“Để phát triển sản phẩm du lịch trong thời gian tới, Khánh Vĩnh đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch haằng năm, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung hoạt động cụ thể nhằm hình thành, phát triển, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương. 

Cùng với đó, tiếp tục tham gia và tổ chức các chương trình phối hợp, xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc, mang nét đặc trưng của địa phương; nâng cao chất lượng dịch vụ để kích cầu thu hút khách du lịch…”, bà Mến cho biết thêm

Để du lịch miền núi Khánh Hòa phát triển cần phải huy động được nhiều nguồn lực chung tay. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đề nghị, các cấp thẩm quyền sớm hoàn thiện các quy hoạch chi tiết, thu hút đầu tư, tập trung xây dựng các điểm du lịch cộng đồng.

“Khi có quy hoạch chi tiết, Sở sẽ trực tiếp khảo sát, có định hướng để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ này để vực dậy du lịch cộng đồng tại địa phương”, bà Thanh cho hay.

Tin cùng chuyên mục