Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Du lịch vùng DTTS và miền núi còn bỏ ngỏ

T.Nhân - H.Trường - 02:05, 19/06/2024

Các huyện miền núi Quảng Ngãi có lợi thế về thiên nhiên tươi đẹp để phát triển du lịch như, có nhiều danh lam, thắng cảnh, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS... Tuy nhiên hiện nay, tiềm năng ấy vẫn chưa được khai thác hiệu quả, hầu hết các khu du lịch ở khu vực miền núi vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự đầu tư bài bản, tạo sự hấp dẫn đối với du khách.

Vùng cao Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Vùng cao Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Tiềm năng lớn chưa được khai thác

Vùng cao Quảng Ngãi bao gồm các huyện Sơn Tây, Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long, là địa bàn cộng cư của hơn 170 nghìn hộ đồng bào các DTTS như: Co, Ca Dong, Hre… sinh sống. Nơi đây, được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú. Dọc phía Đông Trường Sơn hùng vĩ với nhiều thác ghềnh, hồ, sông, suối; có đỉnh núi Cà Đam cao hơn 1.400m so với mực nước biển, được ví như “nóc nhà” của Quảng Ngãi. Ngoài ra, còn có thác Lụa Sơn Tây; ruộng bậc thang Sơn Tây; suối khoáng nóng Thạch Bích; suối Trà Bói; thác Cao Muôn; thảo Nguyên Bùi Hui; hồ Nước Trong; hồ thủy điện Đắk Đring…

Ngoài cảnh sắc núi non hùng vĩ,  yếu tố về văn hóa cũng rất đa dạng và đặc sắc, mang đậm tính vùng miền như nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê; Nghệ thuật đấu chiêng của người Co; cùng với đó là hàng trăm các nghi lễ, lễ hội truyền thống đặc sắc, các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào. Bên cạnh đó, các di tích quốc gia độc đáo như: Di tích quốc gia đặc biệt Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ; Lễ hội Điện Trường Bà Trà Bồng; Trường Lũy Quảng Ngãi gắn liền với những lễ hội, cũng là điểm nhấn thu hút khách.

Các nét đẹp đồng bào DTTS ở vùng cao là điểm nhấn để góp phần thu hút khách du lịch
Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ở vùng cao Quảng Ngãi góp phần thu hút khách du lịch

Một số địa điểm thu hút khách du lịch nữa là Thác trắng Minh Long, Làng kiểu mẫu Ra Manh và cụm du lịch dọc hồ Dak Drinh (Sơn Tây). 

Nếu thác trắng Minh Long cách Tp. Quãng Ngãi hơn 20 km về hướng Tây Nam, là địa điểm thu hút khách du lịch khá lớn trong thời gian gần đây, nhất là đối với những du khách thích một miền suối thác, biển nước trong xanh và có các dịch vụ ăn uống phù hợp. Thì, làng kiểu mẫu Ra Manh được đầu tư một cách khá bài bản, trở thành điểm đến lý tưởng cho những người ưa cảnh sắc thiên nhiên núi rừng, muốn hòa mình cùng bản sắc văn hóa đa dạng của người đồng bào Ca Dong. 

Khách du lịch đến Ra Manh không chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp của sông nước, mây trời và những đồi cau bạt ngàn sai quả, mà còn để thỏa đam mê câu cá. Sau khi câu được cá, du khách đốt lửa nướng cá ngay trên bờ hồ, hoặc mang theo nồi để chế biến món cá nấu với ớt xiêm rừng, cà đắng.

Làng “kiểu mẫu” Ra Manh trở thành điểm đến ưa chuộng của du khách trong thời gian gần đây
Làng “kiểu mẫu” Ra Manh trở thành điểm đến ưa chuộng của du khách trong thời gian gần đây

Còn Dak Drink Loge là địa điểm thú vị nằm trọn trong làng của người đồng bào Ca Dong. Du khách đến đây sẽ được đắm mình trong cảnh quan mây trời trong lành, dễ chịu. Cảnh quan nơi đây còn nguyên sơ với hồ, sông, suối và thác ghềnh, được thưởng thức những món ăn đậm chất xứ Quảng như cá niên, ớt xiêm và nhiều đặc sản khác…

Cần cú huých cho du lịch miền núi

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Quảng Ngãi: Mặc dù có rất nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, du lịch miền núi Quảng Ngãi vẫn còn bỏ ngỏ. Ngoài khu thác trắng Minh Long được đầu tư xây dựng bài bản, với hệ thống dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, lưu trú; thì các điểm du lịch khác như thảo nguyên Bùi Hui, thủy điện Đắk Đring, hồ Nước Trong, Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, suối Trà Bói… mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ ăn uống, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của du khách... chưa mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Du khách thích thú trải nghiệm ở điểm du lịch Dak Drinh
Du khách thích thú trải nghiệm ở điểm du lịch Dak Drinh

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi, nhìn chung ngành Du lịch Quảng Ngãi chưa phát triển mạnh, nguồn khách đến với tỉnh ít, chủ yếu sử dụng sản phẩm du lịch biển đảo, lịch sử văn hóa, số ngày lưu trú ngắn, không cạnh tranh lại các điểm đến lân cận như Quảng Nam, Bình Định.

Riêng đối với các sản phẩm du lịch miền núi chưa hình thành và phát triển rõ nét, dịch vụ mới chỉ ở mức cơ bản. Một số địa điểm du lịch tuy được phát hiện, nhưng chưa được đầu tư, còn ở dạng hoang sơ…chưa thể thể đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch ngoài tỉnh, chủ yếu đáp ứng nhu cầu ăn uống của khách nội tỉnh đi về trong ngày.

Cũng theo ông Dũng, việc phát triển du lịch ở một số huyện miền núi đến nay mang tính nhỏ lẻ, manh mún của một vài hộ dân, chưa có sự liên kết để cùng phát triển. Nếu chỉ mạnh ai nấy làm, thì du lịch miền núi của tỉnh sẽ không đi vào chiều sâu, thiếu bền vững. Việc kêu gọi vốn đầu tư vào phát triển du lịch ở khu vực miền núi cũng gặp không ít khó khăn.

Đơn cử như, tỉnh Quảng Ngãi đang kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng ở điểm du lịch Cà Đam, suối khoáng nóng Thạch Bích nhưng các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Do đó, mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng doanh nghiệp chưa tiếp cận và đầu tư nên chưa tạo ra được những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, làm động lực phát triển du lịch ở khu vực miền núi.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, tuy nhiên du lịch ở vùng cao Quảng Ngãi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ
Mặc dù có nhiều tiềm năng, tuy nhiên việc đầu tư khai thác tiềm năng phục vụ cho du lịch ở vùng cao Quảng Ngãi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ

Cùng với đó, kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch miền núi còn hạn chế, các địa phương còn lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu để làm du lịch. Qua tìm hiểu, nhiều ý kiến cho rằng, muốn du lịch vùng cao Quảng Ngãi phát triển, cần một cú huých mạnh mẽ về cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư, từ đó lan tỏa dần ra các địa phương lân cận, cả cộng đồng cùng làm du lịch.

Được biết, mục tiêu của Quảng Ngãi trong thời gian tới, là tập trung xây dựng mô hình, điểm đến du lịch cộng đồng tại làng Ra Manh - hồ thủy điện Đăk Đring gắn với đời sống đồng bào Ca Dong (Sơn Tây), xã Long Môn (Minh Long), các điểm đến với di tích Khởi nghĩa Ba Tơ và thảo nguyên Bùi Hui… 

Bên cạnh đó, tổ chức các Tour du lịch theo chủ đề: Khám phá văn hóa dân tộc thiểu số, các tour leo núi, trekking, và tham quan các thắng cảnh tự nhiên; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương, chuẩn bị năng lực để họ tiếp cận làm du lịch cộng đồng.

"Địa phương cũng sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm đến thị trường mục tiêu, kết nối với các công ty lữ hành để đưa khách du lịch đến vùng núi Quảng Ngãi”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.