Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đánh thức tiềm năng du lịch đêm ở vùng DTTS và miền núi: Phố đi bộ - mô hình hấp dẫn du khách (Bài 1)

Thúy Hồng - 09:17, 24/05/2024

Để phát triển du lịch, thời gian qua nhiều địa phương chú trọng phát triển mô hình phố đi bộ ban đêm với nhiều hoạt động văn hóa, dịch vụ phong phú và đa dạng, tạo ra không gian giao lưu văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, xây dựng được những sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng để tạo dấu ấn riêng biệt, thực sự cuốn hút du khách, trở thành động lực để thúc đẩy du lịch. Trong đó, phát triển du lịch đêm ở vùng DTTS và miền núi là hướng đi mới cần nghiên cứu khai thác và nhân rộng.

Phố đi bộ Kỳ Lừa với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc luôn thu hút khách du lịch thăm quan, trải nghiệm
Phố đi bộ Kỳ Lừa với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc luôn thu hút khách du lịch thăm quan, trải nghiệm

Trong những năm gần đây, từ khóa “phố đi bộ” là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch từ các thành phố lớn đến vùng DTTS và miền núi. Với đa dạng các hoạt động từ văn hoá, văn nghệ, các khu vui chơi, gian hàng ẩm thực đến các không gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương… đã tạo ra một không gian văn hóa cộng đồng đầy màu sắc, cuốn hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Điểm nhấn du lịch

Cứ vào mỗi dịp cuối tuần phố đi bộ đêm Kỳ Lừa, TP. Lạng Sơn lại đông vui, nhộn nhịp. Với hoạt động đặc sắc như, biểu diễn hát then đàn tính, đi cà kheo, múa sạp, múa sư tử mèo…cùng với không gian văn hóa ẩm thực và các gian hàng đặc trưng của địa phương, đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tới vui chơi và khám phá ẩm thực đặc sắc tại Lạng Sơn trải nghiệm.

Chị Nguyễn Thị Thúy, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Tôi đã đi nhiều địa phương, nhưng đến phố đi bộ Kỳ Lừa có nhiều hoạt động rất độc đáo và ấn tượng. Lần đầu tiên tôi được nghe hát then, sli, được thưởng thức những món ăn rất ngon như bánh ngải, vịt quay tại các sạp hàng ăn… Phố đi bộ đã cho tôi có trải nghiệm thú vị, hiểu hơn về những nét văn hóa của người dân vùng cao.

Phố đi bộ Kỳ Lừa hoạt động từ ngày 16/10/2020, khung giờ 18h-24h các ngày thứ 6 và thứ 7 hàng tuần. Sau hơn 3 năm hoạt động, phố đi bộ Kỳ Lừa rất có sức hút đối với người dân và du khách, với trung bình từ 5.000-6.000 lượt người trải nghiệm mỗi tuần.

Ẩm thực dân tộc luôn hấp dẫn du khách. Ảnh TL
Ẩm thực dân tộc luôn hấp dẫn du khách. Ảnh TL

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn địa phương đã mở rộng không gian hoạt động của phố đi bộ Kỳ Lừa (giai đoạn 2) nhằm tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh, nhằm bảo tồn văn hoá vật thể và phi vật thể kết hợp với phát triển du lịch, thương mại dịch vụ, đồng thời xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới đặc sắc như tuyến xe điện tham quan thành phố, xây dựng tour du lịch đường thủy dọc sông Kỳ Cùng…

Tại huyện biên giới Bảo Lạ,  tỉnh Cao Bằng cũng đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách biết đến với các hoạt động đặc sắc tại chợ đêm thị trấn Bảo Lạc.

Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc diễn ra vào tối thứ 7 hàng tuần, với các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian của các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: Chợ đêm là một điểm nhấn kinh tế, một sản phẩm du lịch về đêm mới của huyện Bảo Lạc. Đây không chỉ là hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc, giao lưu văn hóa các dân tộc trên địa bàn; mà đồng thời cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Ocop, không gian văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Từ Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được ban hành theo Quyết định 1129 của Thủ tướng Chính phủ, đã bước đầu thay đổi nhận thức về mô hình kinh tế này, tạo được sức hút mới đối với nhiều điểm đến du lịch, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Sau 3 năm thực hiện Đề án, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai các hoạt động, dịch vụ về đêm để thu hút khách, tiêu biểu như như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng…

Việc tạo đà phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm, được xem là hướng đi phù hợp xu hướng quốc tế, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, dịch vụ, tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Hoạt động triển lãm ảnh tại chợ đêm Bảo Lạc, Cao Bằng
Hoạt động triển lãm ảnh tại chợ đêm Bảo Lạc, Cao Bằng

Như tại TP. Lào Cai cũng tổ chức tuyến phố đi bộ được tổ chức tối thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần tại khu vực đường An Dương Vương. Với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực và trưng bày sản phẩm thương mại đặc trưng của địa phương để phục vụ người dân và du khách.

Chị Hoàng Thị Nga, chủ một gian hàng kinh doanh trên các tuyến phố đi bộ chia sẻ: Tôi thường bày bán các đặc sản của địa phương như thịt lợn sấy, thịt trâu sấy…. cho du khách mang về làm quà. Phố đi bộ mang lại thu nhập cho tôi cao hơn 4-5 lần so với bán hàng ngày. Mong rằng, ngày càng có nhiều người biết tới tuyến phố đi bộ cũng như những đặc sản của Lào Cai.

Không riêng gì tại TP. Lào Cai, tại các địa phương của Lào Cai đã có nhiều điểm phố đi bộ, chợ đêm như chợ đêm Bắc Hà; Nghĩa Đô, Phố Ràng (Bảo Yên), tại thị xã Sa Pa cũng đã hình thành và phát triển chợ đêm gắn với hoạt động du lịch. 

Các phiên chợ đêm này hoạt động hiệu quả, vừa góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, vừa tạo tiền đề để hình thành và phát triển “kinh tế đêm” ở Lào Cai.

Các gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Ocop, không gian văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển
Các gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Ocop, không gian văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển

Theo ông Trần Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, phố đi bộ, chợ đêm được xác định, là một trong những sản phẩm được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm. Việc duy trì và phát triển chợ đêm, “kinh tế đêm” sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm... từ đó kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đồng nghĩa với việc chi tiêu của khách và doanh thu du lịch sẽ tăng.

Nhìn từ thực tế, việc tổ chức không gian phố đi bộ đêm đã trở thành điểm hẹn văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, đồng thời quảng bá hình ảnh văn hóa, con người của các địa phương tới đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên,  việc mở các phố đi bộ cũng cần phải được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch, bài bản và tạo ra sản phẩm đặc trưng để tránh mờ nhạt, thiếu hấp dẫn...

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.