Theo đó, việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể truyền thống được tiến hành từ nay đến hết năm 2023, tại 13 xã, 1 thị trấn, 42 thôn, tổ dân phố và 25 dân tộc trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh; 7 xã, 1 thị trấn, 50 thôn, tổ dân phố và 17 dân tộc trên địa bàn huyện Khánh Sơn; 2 xã, 7 thôn, 23 dân tộc trên địa bàn thị xã Ninh Hòa; 9 xã, phường, 17 dân tộc trên địa bàn Tp. Cam Ranh. Ở mỗi địa phương được kiểm kê, đơn vị sẽ tập trung vào các dân tộc Raglay, Ê Đê, đồng bào T’rin (nhóm địa phương thuộc dân tộc Cơ Ho). Từ đó, tìm hiểu, sưu tầm, làm rõ giá trị của các loại hình ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian.
Hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc của Bảo tàng tỉnh nhằm hiện thực hóa kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Đề án này được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2022 - 2025, sẽ thực hiện 5 nội dung: Tổng kiểm kê và lập danh mục loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS; phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS gắn với phát triển du lịch; đưa một số loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc vào giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các trường học vùng đồng bào DTTS; tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống; xây dựng các hành trình kết nối di sản dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch.
Giai đoạn 2026 - 2030, về cơ bản sẽ tiếp tục duy trì hoạt động, phát huy giá trị các mô hình, nội dung công việc về dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào DTTS đã triển khai ở giai đoạn trước. Ngoài ra, sẽ thực hiện việc rà soát, lập hồ sơ phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá công tác triển khai thực hiện đề án.
Bảo tàng tỉnh thực hiện việc tổng kiểm kê với các phương pháp điều tra, phỏng vấn trực tiếp bằng phiếu kiểm kê đối tượng đang nắm giữ, thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc, cán bộ văn hóa xã, già làng, trưởng bản, Người có uy tín, nghệ nhân, người am hiểu hoặc đang lưu giữ tài liệu, hiện vật. Từ đó, nắm rõ tên gọi, loại hình di sản, loại hình tín ngưỡng liên quan đến dân ca, dân vũ, dân nhạc, địa điểm, chủ thể sở hữu di sản, nguồn gốc ra đời, hiện trạng… Để thực hiện công việc kiểm kê, những người thực hiện nhiệm vụ phải tiến hành điền dã, phỏng vấn trực tiếp đối tượng kiểm kê để có những thông tin.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hoà còn nêu rõ phải xây dựng các mô hình cụ thể ở những địa phương để các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc thực sự phát huy giá trị trong đời sống người dân và phục vụ du lịch. Các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa chủ động tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, phổ biến giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS trong cộng đồng, gia đình, trường học. Mỗi địa phương phải xây dựng được một mô hình câu lạc bộ, đội văn nghệ thôn bản, chi hội sinh hoạt văn hóa dân gian, bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc; lựa chọn phục dựng không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu trong các dịp Tết, lễ hội truyền thống để tạo ra các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.