Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vân Canh (Bình Định): Tập trung kiểm kê di sản văn hóa ở các làng dân tộc

Thành Nhân - 20:23, 07/12/2020

Theo đánh giá của Phòng Văn hóa Thông tin (VH&TT) huyện Vân Canh (Bình Định), hiện nay số lượng nhạc cụ truyền thống, cũng như người biết chế tác, chỉnh sửa và sử dụng nhạc cụ truyền thống ngày càng ít. Ngoài ra, một số ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát...; hay như kiến trúc dân gian nhà rông, nhà sàn; các nghi thức, nghi lễ cưới, mừng lúa mới... cũng dần mai một. Trước thực trạng này, thời gian qua các nhà quản lý văn hóa, các cấp ủy, chính quyền cơ sở huyện Vân Canh đang tập trung cho công tác kiểm kê, sưu tầm và phục dựng các di sản văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là các làng dân tộc Ba na, Chăm ...

Lễ hội cầu mưa của người Chăm H’roi huyện Vân Canh
Lễ hội cầu mưa của người Chăm H’roi huyện Vân Canh

Nhằm khắc phục tình trạng này, đầu tháng 5/2020, UBND huyện Vân Canh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch năm 2020. Đến tháng 8/2020, ban hành Kế hoạch Kiểm kê các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang tồn tại trong cộng đồng các DTTS Ba Na và Chăm (nhóm Chăm H’roi) trên địa bàn huyện. Theo đó, vừa qua,  huyện Vân Canh đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác kiểm kê di sản văn hóa, với sự tham gia của nhiều cán bộ phụ trách hoạt động văn hóa ở các xã, thị trấn, trưởng làng đồng bào dân tộc thiểu số...

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc, việc tập huấn công tác kiểm kê di sản văn hóa, sẽ cung cấp cho những người làm công tác bảo tồn văn hóa và người dân những kiến thức cơ bản để có thể thống kê được một cách chính xác về các di sản hiện có, những di sản đã mai một và nguy cơ mai một. 

“Đặc biệt, cộng đồng người Chăm H’roi ở Vân Canh có một loại nhạc cụ truyền thống độc đáo là trống kơ-toang. Tuy nhiên hiện nay, rất ít người chơi được thuần thục loại nhạc cụ này. Sau khi kiểm kê, chúng tôi sẽ lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó sẽ có cách bảo tồn và phát huy giá trị của trống kơ-toang”, ông Ngọc chia sẻ thêm

Ông Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng Phòng VH&TT huyện Vân Canh cho biết: Năm 2013, huyện Vân Canh đã có đợt kiểm kê sơ bộ về di sản văn hóa phi vật thể. Sau khi được hướng dẫn, mọi người đã nắm bắt rõ hơn trong việc nhận diện, bảo vệ, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Khi triển khai kiểm kê, hướng đến mục đích xác định rõ giá trị, khả năng tồn tại, số lượng và phân loại, xếp hạng, lập hồ sơ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể để có chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy...

Cũng theo ông Hải,  từ ngày 26/11-12/12/2020, Phòng VH&TT huyện Vân Canh tập trung  thực hiện kiểm kê các loại hình di sản văn hóa tại các làng đồng bào Ba Na, Chăm H’roi ở 4 xã Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Thuận, Canh Liên và thị trấn Vân Canh. Hiện tại, các xã, thị trấn cũng đã thành lập các Tổ kiểm kê ở địa phương, đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm kê và phối hợp thực hiện.

Điệu múa xoang của các cô gái Chăm H’roi
Điệu múa xoang của các cô gái Chăm H’roi

Chị La Thị Huyền Giang, dân tộc Ba Na, chuyên viên phụ trách hoạt động văn nghệ của Trung tâm VH-TT&TT huyện Vân Canh, chia sẻ: Tôi thấy kiểm kê di sản là việc làm hết sức cần thiết và nên được tiến hành khẩn trương. Qua đó, có cơ sở để đánh giá một cách toàn diện và đề ra những giải pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các loại hình có nguy cơ mai một cao. “Hiện, ở các làng vẫn còn tương đối nhiều nghệ nhân am hiểu, nắm giữ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nhưng nếu không làm nhanh, có thể họ sẽ không còn nhớ đầy đủ, thậm chí sẽ qua đời, lúc đó sẽ rất đáng tiếc”, chị Giang chia sẻ thêm.

Ngoài ra, việc triển khai kiểm kê di sản văn hóa, cũng đã tạo niềm phấn khởi cho nghệ nhân ở các làng tâm huyết  với di sản của dân tộc mình. Già làng Lê Văn Ru ở làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh tâm sự: Nghe tin cán bộ sẽ về làng thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa của đồng bào Chăm H’roi, già ưng cái bụng lắm. Mấy năm nay, lớp trẻ không còn quan tâm đến văn hóa truyền thống nên già lo một ngày không xa sẽ bị mai một. Giờ Nhà nước quan tâm thì già ủng hộ hết mình và sẽ phối hợp với cán bộ để công tác kiểm kê thuận lợi...

Trao đổi với chúng tôi về tiến độ kiểm kê di sản trên địa bàn huyện, ông Lê Thanh Nhơn, Trưởng Phòng VH&TT huyện Vân Canh cho biết: Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện công tác kiểm kê các di sản văn hóa bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở huyện Vân Canh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.