Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hy vọng mới cho làng Canh Giao

T.Nhân-H.Trường - 10:39, 05/02/2024

Làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh (Bình Định) là nơi có vị trí chiến lược trong thế trận chiến tranh Nhân dân, được tỉnh Bình Định chọn làm căn cứ địa Cách mạng trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 405 đặc công của tỉnh Bình Định.

Lễ khởi công dự án đưa điện lưới quốc gia về làng Canh Giao
Lễ khởi công dự án đưa điện lưới quốc gia về làng Canh Giao

Trước năm 1954, Canh Giao nguyên là một xã riêng biệt, gồm 4 thôn với 470 dân. Kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, Canh Giao là địa bàn hoạt động của cách mạng. Dân làng Canh Giao bám làng, đánh giặc. Sau năm 1975, Canh Giao nhập với hai xã Canh Hà, Canh Hưng thành xã Canh Hiệp. Có thời gian, người dân đã rời Canh Giao ra gần trung tâm xã sinh sống. Nhưng đến đầu những năm 80 thế kỷ trước, Fulro hoạt động mạnh, chính quyền xã vận động người dân vào lại Canh Giao. Một số người không còn thích nghi với cuộc sống cũ, bỏ làng chạy ra nhưng nhiều người vẫn kiên quyết trụ lại.

Nay, Canh Giao có 70 hộ với 207 nhân khẩu, chủ yếu là người Chăm Hroi (một nhánh của dân tộc Chăm), cuộc sống chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp trên diện tích 1,3 ha lúa nước và 2 ha đất trồng rau, hoa màu các loại. Thu nhập của bà con dựa vào 130 ha keo và tiền nhận giao khoán, bảo vệ rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra một vị trí xây dựng hố móng dựng trụ điện tại làng Canh Giao
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra một vị trí xây dựng hố móng dựng trụ điện tại làng Canh Giao

So với ngày xưa, cuộc sống của người dân Canh Giao đã khá hơn trước. Nhiều ngôi nhà trong làng đã được xi măng hóa theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước, một số hộ có thu nhập khá nhờ trồng keo và chăn nuôi. Tuy nhiên, bao đời nay, mong ước có đường giao thông đi lại thuận tiện, có điện lưới quốc gia, có nước sạch… vẫn là ước mơ truyền đời của nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Làng Canh Giao có địa hình hiểm trở, dù chỉ cách trung tâm xã Canh Hiệp một ngọn đồi nhưng để vào được làng phải đi vòng 35km từ xã Đa Lộc, huyện đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Năm 2022, các cấp chính quyền đã hỗ trợ xây dựng một số đoạn đường bê tông và và một cây cầu để bắt qua suối, giúp người dân Canh giao đi lại thuận tiện hơn. 

Theo ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, trước đây, người dân làng Canh Giao tự mở đường bằng phương tiện thô sơ, đơn giản, đây chính là tuyến đường độc đạo và duy nhất để vào làng nhưng thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng, trên tuyến đường có Suối Lớn nước dâng cao khi mùa mưa về, chia cắt hoàn toàn Canh Giao với bên ngoài. Sau nhiều lần đề xuất, UBND tỉnh cũng đồng ý chủ trương xây dựng cầu Suối Lớn để tránh tình trạng bị cô lập trong mùa mưa lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thăm các em học sinh tại làng Canh Giao
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thăm các em học sinh tại làng Canh Giao

Ông Huỳnh Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp chia sẻ: So với các làng đồng bào DTTS khác trong xã, Canh Giao vẫn là làng nghèo nhất vì xa xôi cách trở, đi lại khó khăn. Hầu hết bà con vẫn thuộc hộ nghèo. Trong những năm qua được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ kinh phí từ các nguồn vốn 134, 135, nguồn vốn 30 a được huyện Vân Canh lồng ghép đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tự chảy, đường bê tông nông thôn, cầu, cống… Hiện nay, làng Canh Giao vẫn còn khó khăn vẫn còn khó khăn về đường đi, nhiều đoạn vẫn còn đường đất, mùa mưa thường hay sạt lở và bị chia cắt.

“Tuy nhiên, so với trước đây, Canh Giao nay đã bớt khó khăn hơn nhiều. Đó là nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thông qua các chương trình, chính sách dân tộc. Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Vân Canh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Canh Giao. Năm 2023, huyện đã dành hơn 6 tỷ đồng để đầu tư một số đoạn đường bê tông, cầu, cống… dần dần hoàn thiện hệ thống đường giao thông để rút ngắn khoảng cách giữa Canh Giao với cá vùng khác”, ông Thành chia sẻ thêm.

Có đường giao thông thuận lợi để đi lại đã là một việc quá sức tưởng tượng của người dân Canh Giao. Nhưng vừa qua, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Công ty Điện lực Bình Định khởi công Dự án cấp điện cho làng Canh Giao mang lại niềm vui khôn tả cho người dân. Điều này không chỉ biến ước mơ từ bao đời nay thành sự thật mà còn mở ra niềm hy vọng mới cho người dân Canh Giao.

Cầu Suối lớn được xây dựng hoàn thành cuối năm 2022, giúp người dân Canh Giao đi lại thuận tiện
Cầu Suối lớn được xây dựng hoàn thành cuối năm 2022, giúp người dân Canh Giao đi lại thuận tiện

Được biết, công trình cấp điện Làng Canh Giao từ lưới điện quốc gia có mức đầu tư hơn 4,1 tỷ đồng. Đường dây trung áp 22kV xây dựng mới hơn 6,3 km và đấu nối từ lưới điện của tỉnh Phú yên, đi qua khu vực huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định và huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên.

 Ngành điện lực sẽ xây dựng mới 109 vị trí móng và 147 cột trung hạ áp. Dự kiến, công trình Cấp điện Làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh đưa vào đóng điện vận hành trước ngày 30/4/2024. Khi công trình này đưa vào hoạt động ngoài việc cấp điện cho làng Canh Giao, tuyến đường dây 22kV của công trình còn đảm bảo năng lực cấp điện cho cả địa bàn xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên tiếp giáp với làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định với quy mô công suất lên đến 5MW.

Phát biểu tại buổi Lễ khởi công dự án điện, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: Làng Canh Giao có 3 hạ tầng cơ bản cần phải làm gồm: Điện, đường vào làng, hạ tầng viễn thông. Bên cạnh việc khởi công dự án cấp điện lưới Quốc gia cho người dân làng Canh Giao, tỉnh Bình Định cũng kêu gọi xã hội hóa thực hiện tuyến đường bê tông 3km nối từ xã Đa Lộc, huyện Đông Xuân, tỉnh Phú Yên vào tới khu vực làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh.

“Đối với công trình điện hôm nay khởi công hơn 6km, đường điện 22KV, trạm biến áp 50kva. Trước tiên, xin cảm ơn Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, Điện lực Bình Định đã có trách nhiệm với bà con. Chúng tôi yêu cầu công trình thi công đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, an toàn. Chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng để nhà thầu thực hiện thi công hoàn thành trước ngày 30/4/2024. Sau Tết chúng tôi sẽ triển khai làm con đường hơn 3km qua huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên và tôi cũng rất mong huyện Đồng Xuân tạo điều kiện để các đơn vị thi công”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Những ngày đầu Xuân mới Giáp Thìn 2024, Theo chân đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Định, vượt qua những con đường hun hút nằm dưới tán rừng, chúng tôi đến làng Canh Giao, xã Canh Hiệp khi mặt trời vừa lên quá nửa cây sào. Trước mắt chúng tôi là một ngôi làng nằm “biệt lập” trong một thung lũng, tứ bề núi rừng trùng điệp. Tuy là buổi sáng nhưng xung quanh cảnh vật rất yên ắng, tĩnh lặng. Nhìn quanh quẩn chỉ có vài cụ già ngồi trên nhà sàn bỏm bẻm nhai trầu và mấy đứa trẻ con đưa mắt nhìn chăm chú khách lạ. Hỏi ra mới biết, người dân đã lên rẫy từ sớm.

Anh Nguyễn Văn Thanh, một người dân ở làng cho biết: Mùa này, bà con lên rẫy sớm lắm. Khi ông mặt trời vừa ló dạng, người dân đã lên rẫy rồi. Họ tranh thủ làm sớm để chiều về phát dọn lại vườn tược, dựng lại bờ rào, sửa soạn nhà cửa để chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Một mùa Xuân mới lại về, mang lại niềm vui lớn trên gương mặt từng người dân Canh Giao. Từ đứa trẻ con, đến những cụ già đều nở nụ cười tươi khi nhìn thấy quê hương mình ngày càng khởi sắc. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.