Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề phổ thông, anh Đinh Văn Boi - người dân làng Mơ Hven Ôr, xã Kông Lơng Khơng (Kbang) hiện đang nhận thầu xây dựng các công trình nhà ở tại địa phương. Bình quân mỗi năm anh nhận được 4 công trình xây dựng nhà ở cấp 4, cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Anh là một trong những điển hình vượt khó của huyện Kbang.
Anh Boi chia sẻ, trước đây anh làm thuê đủ mọi nghề nhưng vẫn không đủ trang trải cho sinh hoạt hằng ngày của cả gia đình. Năm 2017, anh Boi quyết định tham gia lớp học đào tạo nghề thợ nề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kbang tổ chức. Chỉ sau 2 tháng học nghề, anh tự tin đứng ra nhận thầu xây dựng các công trình nhà ở cấp 4 tại địa phương. Có kiến thức cộng với kinh nghiệm được đúc rút qua thời gian, anh ngày càng được dân làng tin tưởng và thường xuyên nhận được lời mời thầu xây nhà.
Tương tự, nhờ học nghề cơ khí từ lớp đào tạo nghề của địa phương mà anh Triệu Văn Chung ở làng Kdâu, xã Kông Lơng Khơng đã có thu nhập ổn định hơn. Sau khi học nghề, anh Chung có thể sửa chữa được các loại máy móc thông dụng nhà nông như máy cày, máy bơm nước… Nhờ đó, vừa giúp gia đình anh tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể cho việc sửa chữa máy móc hàng năm. Ngoài ra, anh Chung cũng nhận sửa chữa máy móc bị hư hỏng cho người dân trong làng để kiếm thêm thu.
5 năm qua, huyện Kbang đã tổ chức 60 lớp học với gần 1.600 học viên. Sau khi được đào tạo nghề, học viên đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí sửa chữa. Đối với các ngành nghề phi nông nghiệp như nghề nề, nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ..., học viên trong huyện đã biết vận dụng kiến thức lý thuyết để áp dụng vào thực tiễn, tự sửa chữa và xây dựng được hàng rào, cổng, xây công trình phụ,... Ngoài ra, còn tham gia xây dựng các công trình cho các chương trình mục tiêu quốc gia tại làng, xã với thu nhập bình quân hàng tháng từ 3-5 triệu đồng.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kbang, ông Dương Văn Thọ, người dân địa phương đa số là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp đơn giản nên đào tạo nghề trong thời gian ngắn là nhiệm vụ rất quan trọng góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Thông thường, đào tạo nghề phi nông nghiệp cần khoảng 2 tháng để tất cả các lao động sau đào tạo có nền tảng cơ bản để tự tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Kbang là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 12% trên tổng số 70.000 nhân khẩu. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 47%. Để công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả, huyện Kbang đã chú trọng mở các lớp đào tạo dựa trên nhu cầu thực tiễn của người lao động, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhằm phát huy thế mạnh và tạo việc làm ổn định cho người dân.
Hàng năm, huyện Kbang đầu tư mở từ 8-10 lớp đào tạo nghề, tập trung vào các nghề như: thợ nề, thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật khai thác mủ cao su, cơ khí… Công tác đào tạo nghề đã giải quyết việc làm cho đội ngũ thanh niên theo nhu cầu của địa phương. Qua đó giúp tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần vào mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của huyện Kbang nói riêng và toàn tỉnh Gia Lai trong những năm tiếp theo.
Thời gian qua, cùng đồng hành với các chương trình giảm nghèo bền vững là công tác đào tạo nghề phổ thông cho lao động nông thôn. Nhờ vậy, đời sống của người dân Kbang ngày càng ổn định, vươn lên thoát nghèo.