Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Liên kết, phát triển chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ: Giúp đồng bào DTTS thoát nghèo, tăng giàu từ rừng

PV - 15:25, 28/08/2018

Cùng với sản phẩm gỗ rừng thì các loại lâm sản ngoài gỗ (LSNG) vốn là nguồn cung cấp thiết yếu cho cuộc sống của rất đông đồng bào DTTS. Tuy nhiên, thời gian qua việc phát triển LSNG chưa tương xứng với tiềm năng. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị LSNG là xu hướng tất yếu cần được thúc đẩy nhằm cân bằng giữa giá trị kinh tế phục vụ xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

giá trị lâm sản Cần phát triển chuỗi giá trị LSNG để giúp đồng bào DTTS giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

 

LSNG là một bộ phận của hệ sinh thái rừng, chiếm khoảng 50% tổng sinh khối của rừng nhiệt đới. Trong số các LSNG, có rất nhiều các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, giá trị dinh dưỡng dồi dào, giá trị dược liệu lớn. Điển hình như cây hà thủ ô, tục đoan ở vùng núi cao phía Bắc; cây đinh lăng, cây ba kích ở vùng trung du miền núi Bắc bộ; cây hương nhu trắng ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ; cây trinh nữ hoàng cung, sa nhân tím ở vùng Tây Nam bộ... Đặc biệt, trong số đó nổi bật nhất là cây sâm Ngọc Linh vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ là một trong năm loại sâm có giá trị nhất trên

thế giới.

Có thể nói LSNG là một nguồn tài nguyên tái sinh vô cùng quý giá của cộng đồng DTTS nói riêng và của cả nước nói chung. Tuy nhiên LSNG tại Việt Nam hiện vẫn chưa được thực sự quan tâm và đầu tư phát triển. Phong phú về chủng loại, giá trị kinh tế cao tuy nhiên các sản phẩm này lại chưa giúp người dân có được cuộc sống ổn định. Đó là chưa kể tới việc khai thác sai cách dẫn tới nguy cơ tận diệt các sản phẩm này.

Tại Diễn đàn phát triển DTTS 2018 với chủ đề: “Sâm Ngọc Linh-tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS” do Ủy ban Dân tộc chủ trì tổ chức vừa qua tại tỉnh Quảng Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra: nguồn tài nguyên LSNG đang bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Cùng với đó, chưa quy hoạch và triển khai quy hoạch vùng trồng hợp lý; sản xuất tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Nguồn cung không ổn định, mang tính thời vụ, không thể dự báo trước. Thiếu các chính sách hỗ trợ. Công nghệ chế biến quy mô nhỏ, manh mún, lạc hậu, thiếu đầu tư… Diễn đàn đã tích cực tìm giải pháp hỗ trợ hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo tồn môi trường theo tiếp cận chuỗi giá trị và hợp tác công tư trong phát triển LSNG.

Không chỉ người dân, mà với các doanh nghiệp đang khai thác lợi ích từ các LSNG ở vùng đồng bào DTTS cũng rất quan tâm đến việc liên kết chuỗi giá trị. Ông Trần Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Hùng Dũng, Sa Pa, Lào Cai cho biết: “Khó khăn nhất, rào cản nhất nằm ở đầu ra của sản phẩm, chúng tôi đang bị trăm hoa đua nở, ví dụ có rất nhiều tên sản phẩm thuốc lá tắm, thế nhưng họ không sản xuất từ rừng và từ chuỗi liên kết với bà con. Cho nên chúng tôi bị cạnh tranh, khi mang sản phẩm ra ngoài, nhiều người đang nhầm lẫn không biết sản phẩm nào là từ rừng”.

Xét về góc độ của cả hai phía là người dân và doanh nghiệp đều có những hạn chế riêng mà không dễ tháo gỡ. Khi hợp tác để khai thác được các lợi thế sản phẩm đặc thù họ gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu LSNG (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để phát triển LSNG cần hoàn thiện chính sách từ lập quy hoạch, kế hoạch phát triển, giao đất, giao rừng, khoa học công nghệ, đầu tư hỗ trợ, đào tạo nhân lực,…Đặc biệt, cần lựa chọn, xác định 1-2 sản phẩm LSNG/vùng có lợi thế cạnh tranh để tập trung đầu tư phát triển một cách thích đáng. Nghiên cứu thị trường từng loại sản phẩm LSNG để đề xuất giải pháp quy hoạch gắn với cơ sở chế biến, dịch vụ phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, từng vùng theo hướng tiếp cận mở…

Việt Nam có diện tích rừng tự nhiên lớn, việc khai thác các sản phẩm LSNG phục vụ cho việc xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS là cần thiết. Giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế liên kết chuỗi giá trị giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân… là vấn đề then chốt để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa đặc trưng, đặc thù với các sản phẩm LSNG, giúp đồng bào DTTS thoát nghèo và làm giàu từ những sản phẩm này.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.