Nhiều điều kiện thuận lợi
Lòng hồ thủy điện Sơn La phía hạ lưu thuộc bản Lả, xã Mường Trai là khu vực khuất gió, nguồn nước rất sạch, thuận lợi cho việc nuôi cá tầm. Từ năm 2012, tỉnh Sơn La đã triển khai nuôi thử nghiệm, cho thấy kết quả loài cá tầm được nuôi ở môi trường này phát triển tốt, tỷ lệ cá sống khá cao. Đặc biệt, một số loài cá tầm giống quý có thể sinh trưởng tốt, như loài Belgula; cá tầm Nga; cá Le Bao; Lô Rô; Si Ri; RK; SK... có con khối lượng 30 - 40kg.
Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La là một trong những doanh nghiệp tiên phong nuôi cá tầm theo tiêu chuẩn VietGAP, đã được Trung tâm Chuyển giao công nghiệp và Dịch vụ thủy sản Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tháng 10/2017. Mỗi con cá tầm sau khi xuất bán đều được công ty gắn mã truy xuất nguồn gốc. Khách hàng có thể quét mã sản phẩm qua các ứng dụng điện thoại thông minh để kiểm tra giống cá, địa điểm nuôi, ngày bắt đầu nuôi. Sản lượng cá tầm trung bình hằng năm của doanh nghiệp này đạt khoảng 500 tấn, với thị trường tiêu thụ rất mạnh tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa...
Ông Cầm Xuân Bưởng, Trạm trưởng trạm Khuyến nông Mường La, cho biết, hiện nay, tại xã Mường Trai có 67 hộ dân, 1 HTX và 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng đang hoạt động, với tổng số 230 lồng cá. Hiện cá tầm có giá bán 200 - 400.000/kg tùy loại. Trung bình, mỗi hộ dân địa phương nuôi 8 - 10 lồng cá, có thể cung cấp 4 - 5 tấn cá thương phẩm cho thị trường mỗi năm, thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Hướng đi này giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân tái định cư thủy điện Sơn La.
Ngoài các loại cá giống ở địa phương cũng đang được nuôi nhiều như, trắm, chép, rô phi... các hộ nuôi cá cũng đang phát triển nuôi thêm các loại cá đặc sản khác có giá trị kinh tế cao, như cá lăng, chày, quất, nheo…
Trăn trở trong hướng phát triển bền vững
Tuy nhiên trên thực tế, các hộ gia đình nuôi cá tầm nhỏ lẻ ở huyện Mường La cũng đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, bởi câu chuyện bị ép giá đã quá cũ trong thị trường nông nghiệp, thủy sản khi chỉ trông chờ vào thương lái tư nhân. Hơn nữa, việc nuôi cá tầm đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao.
Để sản phẩm cá tầm vươn tới các thị trường khó tính và có thể xuất khẩu, đòi hỏi phải có kỹ thuật nuôi trồng khắt khe hơn. Vì vậy, cần xác định hướng đi bền vững, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong việc quản lý, đầu tư có hiệu quả, gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, địa phương cũng cần có cơ chế khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản, hướng tới xây dựng các sản phẩm thủy sản từ cá sông Đà thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc hữu vùng.
Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích mặt hồ nuôi cá tầm ở Sơn La sẽ đạt 170ha, sản lượng cá trên 2.700 tấn. Tiềm năng phát triển nuôi cá tầm xuất khẩu mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương, gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất hàng hoá có giá trị xuất khẩu.
Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích mặt hồ nuôi cá tầm ở Sơn La sẽ đạt 170ha, sản lượng cá trên 2.700 tấn. Tiềm năng phát triển nuôi cá tầm xuất khẩu mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương, gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất hàng hoá có giá trị xuất khẩu.