Sau thời gian triển khai và qua kiểm tra thực tế tại các mô hình cho thấy, các đàn cá đều phát triển tốt, trọng lượng cá tầm bình quân đạt 1-1,2kg/con, cá diêu hồng đạt từ 0,6-0,7kg/con và cá lăng đạt từ 1,5-1,8kg/con, tỷ lệ sống các đàn cá đều đạt trên 80%.
Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định, nghề nuôi cá lồng bè trong các hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, tại Điện Biên nói riêng rất có triển vọng, đặc biệt là các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá hồi và cá diêu hồng. Những năm gần đây, dưới sự sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chương trình dự án, các mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa càng đạt hiệu quả cao. Cách nuôi cá trong lồng giúp người nuôi dễ kiểm soát dịch bệnh, dễ thu hoạch, thời gian nuôi ngắn. Trên cùng 1 diện tích, nếu nuôi cá lồng mật độ sẽ cao gấp 15-20 lần so với cách nuôi cá thả bung và như vậy năng suất nuôi cá lồng cũng sẽ cao. Đa phần các sản phẩm thủy sản cung ứng đều an toàn phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường các tỉnh miền núi bền vững.
Điện Biên là một trong những tỉnh được đánh giá có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, với diện tích mặt nước lên đến hơn 2.326ha, tổng sản lượng hằng năm đạt gần 2.600 tấn. Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên, cho biết: Những năm gần đây, Điện Biên rất có tiềm năng trồng thủy sản trên các ao và hồ chứa, với số lượng nuôi cá lồng bè trên sông đạt hơn 100 lồng, thể tích trên 7.000m3 tập trung chủ yếu ở khu vực lòng chảo Mường Thanh, huyện Điện Biên, huyện Tủa Chùa và thị xã Mường Lay. Đa số các hộ dân và các hợp tác xã chú trọng đầu tư hệ thống lồng bè kiên cố, khu nuôi quy mô và các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ nuôi trồng thủy sản hiệu quả.
Chia sẻ tại Hội thảo về quá trình nuôi cá lồng trên hồ Pe Luông, ông Phạm Khang Mừng, Đội 1, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: “Trước đây gia đình nghiên cứu kỹ thuật, phương pháp nuôi các lồng được 3 năm và nuôi chủ yếu loại cá diều hồng và cá rô phi đơn tính. Tuy nhiên thị trường tại Điện Biên tiêu thụ mạnh được loại cá rô phi đơn tính, còn cá diêu hồng thì hơi chậm, 1 phần do giá thành cao khoảng 80.000/kg, 1 phần do người tiêu dùng sử dụng và chế biến chưa quen nên hơi khó bán. Tham gia mô hình nuôi cá trong lồng tôi đăng ký nuôi cá lăng và cá tầm, bước đầu áp dụng đúng theo kỹ thuật hướng dẫn của các chuyên gia, đàn cá phát triển tốt, bình quân đạt 1,2-1,8kg/con và tỷ lệ sống đạt trên 80%. Hiện nay, gia đình đang tìm đầu ra sau thu hoạch, dự kiến sẽ liên kết tiêu thụ tại các tỉnh dưới xuôi và 1 phần thị trường trong tỉnh”.
Trong giai đoạn đầu tham gia mô hình nuôi cá lồng, nông dân trong tỉnh được tập huấn, chia sẻ những giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng trong nuôi cá lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm; những kinh nghiệm trong quản lý, chăm sóc đàn cá lồng; một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị bệnh trên các đối tượng cá; hiệu quả mô hình chuỗi liên kết và một số tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm các đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao trong lồng bè…
NAM HƯƠNG