Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm giàu từ nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện

Hồng Minh - 10:15, 23/09/2019

Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình nuôi cá tầm. Điểm nuôi chính đặt tại bản Lả Mường, xã Mường Trai với diện tích trên 2ha mặt nước. Mỗi năm, từ đây cung ứng ra thị trường khoảng 50 tấn cá thương phẩm.

Làm giàu từ nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện

Các lồng cá tầm được nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Từ năm 2011, tại hồ thủy điện Sơn La bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi cá Sông Đà, đến năm 2014 mô hình chính thức được áp dụng và nhân rộng.

Là một trong những gia đình tham gia mô hình nuôi cá tầm, anh Lường Văn Thủy, bản Cang Mường hiện có 8 lồng nuôi cá, chủ yếu là các giống như: Tầm, quất, ngạnh, trắm đen… Mỗi năm, gia đình anh Thủy bán ra thị trường 4-5 tấn cá thành phẩm.

“Do là cá đặc sản, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật, tận dụng được nguồn thức ăn phong phú, đa dạng tại địa phương, nên giá bán cũng cao hơn hẳn so với các loại khác. Nghề nuôi cá mang lại thu nhập cho gia đình mỗi năm trên dưới 250 triệu đồng”, anh Thủy chia sẻ.

Hiện nay, mô hình nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện đang cho thấy những hiệu quả nhất định, đem lại thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân xã Mường Trai.

Ông Lèo Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Mường Trai, cho biết: “Hiện xã có 67 hộ dân, 1 HTX và 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng đang hoạt động, với tổng số 230 lồng cá. Ngoài các loại cá giống địa phương hiện được nuôi nhiều như: Tầm, trắm, chép, rô phi... các hộ nuôi cá cũng đang phát triển nuôi thêm các loại cá đặc sản khác có giá trị kinh tế cao, như cá lăng, chày, quất, nheo. Riêng năm 2018, đã có 90 tấn cá các loại bán ra thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con trên địa bàn xã”.

Sản phẩm cá tầm nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La hiện đã được Trung tâm Chuyển giao Công nghiệp và Dịch vụ thủy sản Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP từ tháng 10/2017. Mỗi con cá tầm sau khi xuất bán đều được gắn mã truy xuất nguồn gốc. Khách hàng có thể quét mã sản phẩm qua các ứng dụng điện thoại thông minh. Theo đó, các thẻ mã số đi kèm sản phẩm cá tầm sẽ giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý kiểm soát dễ dàng, biết chính xác lô hàng đó có địa điểm nuôi ở đâu, giống cá, đơn vị nuôi, ngày bắt đầu nuôi.

Hiện nay, cá tầm Sơn La đang được bán với mức giá 220-400 nghìn đồng/kg tùy vào trọng lượng từng loại.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.