Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hơn 60% học sinh DTTS không đủ điều kiện học online: Bài toán nan giải của Đăk Lăk trong năm học mới

Lê Hường - 16:48, 26/09/2021

Nhiều buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc đầu tư thiết bị điện tử, điện thoại thông minh, máy tính… để cho con học trực tuyến vô cùng khó. Vì vậy, ngành Giáo dục Đắk Lắk đang nỗ lực triển khai các phương án dạy học phù hợp với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS chưa thể trang bị phương tiện học online.

Giáo viên xã vùng sâu Ea M’đroh tặng sách vở và kiểm tra bài cho học sinh nghèo
Giáo viên xã vùng sâu Ea M’đroh tặng sách vở và kiểm tra bài cho học sinh nghèo

Hơn 60% học sinh tiểu học không có điều kiện học trực tuyến

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk không tổ chức cho học sinh học tập trung tại trường, mà triển khai việc dạy và học bằng các hình thức khác, trong đó dạy học trực tuyến được lựa chọn là giải pháo tối ưu. Tuy nhiên, với địa bàn đặc thù có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, điều kiện kinh tế khó khăn, thì cách dạy học này lại trở thành việc khó.

Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có trên 95% học sinh là người DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn, không có đủ điều kiện và thiết bị cho con học tập. Trước thềm năm học mới, nhà trường khảo sát 174 học sinh về việc học trực tuyến. Kết quả cho thấy, chỉ khoảng 30% học sinh có thể mượn điện thoại thông minh của bố mẹ để học.

Gia đình bà H’Roa Kbuôr, xã Ea M’Đroh, huyện Cư M'gar có 4 người con đang học tiểu học và THCS. Khi nghe tin các con học trực tuyến qua điện thoại, máy tính, gia đình rất lo lắng. Hai vợ chồng làm nông, gồng gánh lo cho cả 4 đứa con được đi học đẩy đủ đã khó, phải mua điện thoại cho con học thì không thể làm được.

Thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh chia sẻ: "Nhận thấy việc học trực tuyến nhiều khó khăn, Nhà trường đã có phương án hướng dẫn các em học tập qua truyền hình, xây dựng đề cương hướng dẫn các em học tập tại nhà, thành lập tổ giao bài. 

Riêng đối với các em không có điện thoại, sẽ tính đến giải pháp giáo viên đến tận nhà giao bài, hướng dẫn học. Trường phối hợp với chính quyền địa phương, ban tự quản các thôn, buôn giao bài, hướng dẫn các em học tập làm sao để đạt hiệu quả cao nhất".

Xã Ea M’đroh có 1 trường THCS, 2 trường tiểu học với hơn 1.000 học sinh. Không thể tổ chức học trực tiếp 100%, các trường đã chọn phương án giao bài cho học sinh để bảo đảm việc học không bị gián đoạn. Bài tập được gửi đến các em học sinh thông qua phụ huynh, tình nguyện viên, giáo viên tại địa phương…

Tương tự, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp có 99% học sinh DTTS. Qua khảo sát sơ bộ, tại trường chỉ có 10% các em có điện thoại kết nối Internet.

Cô Đàm Thị Lâm, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường cho biết: "Ở đây đời sống người dân còn khó khăn, phụ huynh đi làm nương rẫy từ sáng sớm đến tối mới về, rất khó triển khai phương án học trực tuyến. Đối với học sinh khối lớp 1, năm học đầu tiên, các em rất cần được cô giáo cầm tay chỉ bày từng nét bút, đặc biệt là học sinh DTTS".

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, toàn tỉnh có đến hơn 60% học sinh tiểu học không có đủ điều kiện học trực tuyến, trong đó chủ yếu học sinh DTTS.

Giáo viên đến tận nhà giao bài cho học sinh
Giáo viên đến tận nhà giao bài cho học sinh

Chọn phương pháp dạy học phù hợp 

Không chỉ thiếu thiết bị phục vụ học trực tuyến, mà đường truyền Internet cũng rất hạn chế. Ở các địa phương vùng sâu, vùng xa đường truyền Internet có dây chưa kéo đến, chủ yếu kết nối bằng 3G, 4G nhưng địa hình cách trở tín hiệu kết nối yếu, nên việc học trực tuyến càng lắm gian nan.

Huyện Buôn Đôn hiện có 12 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 8 trường THCS, với tổng số 15.080 học sinh, trong đó, học sinh DTTS gần 8.000 em. Với đặc thù huyện biên giới, địa bàn cách trở, điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc học trực tuyến càng thêm khó. 

Theo thống kê, toàn huyện chỉ có khoảng 42% học sinh THCS và 30% học sinh tiểu học tham gia học trực tuyến. Phòng Giáo dục huyện Buôn Đôn sớm chỉ đạo các trường căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại các địa phương để xây dựng kế hoạch, lựa chọn những giải pháp cụ thể, sát thực tế đáp ứng tốt nhất nhu cầu dạy và học.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc dạy và học do ảnh hưởng dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk yêu cầu, các trường phân loại đối tượng, tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện của từng học sinh.

Đối với học sinh không có máy tính, điện thoại, tivi, nhà trường chỉ đạo giáo viên biên soạn bài dạy, câu hỏi kiểm tra, hướng dẫn học tập để in sao, chuyển giao cho học sinh học tập; có kế hoạch theo dõi, đánh giá, nắm bắt tình hình học tập của học sinh để có những điều chỉnh kịp thời.

 Riêng học sinh tiểu học, các thầy, cô giáo tăng cường tổ chức giao bài cho học sinh bằng hình thức phiếu học tập để hướng dẫn học sinh tự học tại nhà. Cuối mỗi tuần học, đánh giá việc thực hiện các hình thức dạy học để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Tuyệt đối không chạy theo tiến độ chương trình, thời gian làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và gây khó khăn cho học sinh, gia đình học sinh trong việc tiếp cận các hình thức dạy học.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.