Hiện nay, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đối với các nhà trường, dạy học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu để thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học” đối với học sinh các cấp học, giúp các em củng cố kiến thức cơ bản, đặc biệt là học sinh cuối cấp, chuẩn bị bước vào kỳ thi. Từ việc khắc phục những khó khăn gặp phải khi dạy học trực tuyến, các thầy cô giáo cũng cần phải chuẩn bị tốt những điều kiện về phương tiện để phục vụ cho công việc dạy học, dạy trực tuyến sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Để đạt được mục tiêu chất lượng từ mỗi bài giảng, trước hết mỗi thầy cô giáo cần lựa chọn kỹ thuật dạy học trực tuyến. Căn cứ vào đặc thù và điều kiện của học sinh để lựa chọn các phần mềm sao cho phù hợp. Từ đó, kiểm tra tốt hệ thống đường truyền, máy móc và các điều kiện phục vụ cho dạy trực tuyến. Giáo viên cần hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách khai thác bài giảng, tài liệu, câu hỏi, bài tập gửi qua Email, Zalo... để sau mỗi bài giảng, học sinh có được tài liệu để thực hành thêm ở nhà.
Trước khi tiến hành bài giảng, mỗi thầy cô giáo phải xác định mục tiêu cần đạt trong bài giảng, xác định trọng tâm kiến thức hay kiến thức cơ bản cần truyền đạt đến học sinh. Do điều kiện thời gian, yếu tố tương tác nên trong một khoảng thời gian nhất định, giáo viên không thể dạy hết các đơn vị kiến thức trong bài mà cần chú trọng đến kiến thức trọng tâm, lược bỏ những phần không nhất thiết phải dạy trong bài.
Đồng thời, khi xây dựng kế hoạch giảng dạy trực tuyến, các thầy cô giáo nên dựa trên hai tiêu chí, đó là kiến thức trọng tâm cần bồi dưỡng thêm và kiến thức trọng tâm cần phụ đạo thêm cho học sinh. Muốn làm được việc này, giáo viên phải nắm bắt được lực học của học sinh lớp mình đang dạy, phân loại học sinh thành hai đối tượng là học sinh khá, giỏi và học sinh yếu kém để từ đó, giáo viên thiết kế những đơn vị kiến thức cơ bản phù hợp với cả hai đối tượng.
Để dạy học trực tuyến được khoa học, học sinh dễ tiếp nhận, các thầy cô giáo nên xây dựng các chuyên đề dạy học theo đơn vị lớp, cấp học để tạo thành một bài giảng mang tính hệ thống kiến thức. Trong đó, chú trọng đến dạy củng cố, ôn tập kiến thức cơ bản của bài, sau đó dạy thực hành thông qua hệ thống bài tập với các cấp độ kiến thức.Giáo viên có thể đưa vào bài giảng những trò chơi liên quan đến kiến thức để tạo cho bài học sự sinh động, phát huy tính tích cực của học sinh. Các bài giảng cần lưu lại để đáp ứng nhu cầu tổng hợp kiến thức, lưu giữ làm tư liệu của phụ huynh và học sinh.
Song song với dạy kiến thức trọng tâm, các thầy cô giáo cần đan xen dạy kỹ năng làm bài cho học sinh. Phần dạy kỹ năng có thể lồng ghép vào nội dung dạy phần thực hành sau mỗi bài giảng hoặc phần chữa bài tập. Trên thực tế, kỹ năng làm bài là nội dung quan trọng để quyết định kết quả học tập của học sinh, nhất là ở các bài thi trong các kỳ thi.
Trên cơ sở kiến thức cơ bản của bài học, mỗi học sinh cần xác định nội dung nào, phần nào cần củng cố, nâng cao, phần nào cần phụ đạo thêm, những kỹ năng nào còn thiếu hụt khi làm các dạng bài. Đồng thời, để bài giảng đạt hiệu quả về chất lượng thì ý thức tự giác học tập của học sinh là rất quan trọng, mang yếu tố quyết định. Mỗi em học sinh cần xác định tâm thế, tư tưởng, tác phong học tập ở nhà cũng như đang học tập ở trường. Sau mỗi bài giảng, các em cần khai thác hệ thống tư liệu, câu hỏi và thực hiện theo yêu cầu của thầy cô giáo. Tăng cường tương tác với thầy cô giáo và bạn bè trong lớp để chia sẻ những khó khăn khi ôn tập.
Sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh sẽ là những yếu tố quan trọng để mỗi bài giảng trực tuyến thực sự giúp ích hiệu quả cho quá trình học tập của học sinh.