Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hồi sinh Na Ư

Thúy Hồng - 11:07, 30/09/2020

Đã có thời, “cơn lốc” ma túy khiến bản Na Ư, xã Na Ư, huyện Điện Biên (Điện Biên) được gọi bằng cái tên “bản chết”, là cái “rốn” của tội phạm ma túy. Nhưng bằng quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, qua tuyên truyền, vận động, người dân đã nhận thức được tác hại của ma túy mà rời xa “cái chết trắng”. Với sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng cơ sở, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là các chương trình ưu tiên, dành riêng cho đồng bào các dân tộc vùng biên giới khó khăn, người dân đã tập trung phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ đói nghèo ngày càng giảm. Na Ư đã và đang đổi thay từng ngày…

Những đồng lúa trĩu hạt giúp người dân Na Ư có đầy đủ lương thực, ổn định cuộc sống
Những đồng lúa trĩu hạt giúp người dân Na Ư có đầy đủ lương thực, ổn định cuộc sống

Nhấn chìm “cơn lốc” ma túy 

Khi đặt chân đến TP. Điện Biên, nghe ý định của chúng tôi muốn vào tìm hiểu, viết bài về đời sống đồng bào vùng biên giới Na Ư, một vài đồng nghiệp đã cảnh báo rằng, “đây là vùng biên giới giáp khu vực Tam giác vàng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm”, khiến chúng tôi khá lo lắng. Lo lắng là đúng, vì đã có một thời, Na Ư từng được mệnh danh là “bản chết”.

Gọi là “bản chết” cũng bởi trước đây số đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy bị phát hiện xử lý luôn đứng ở “Top” đầu trong các địa phương vùng Tây Bắc. Số án tử hình, án tù chung thân và mang lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội danh mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy của Na Ư rất nhiều. Nhiều con em trong bản không được đến trường, hàng trăm héc ta đất, hoa màu bị bỏ hoang…

Khác xa với những tưởng tượng của chúng tôi về mảnh đất một thời từng là cái “rốn” tội phạm ma túy, Na Ư hiện ra thật bình yên. Ven đường vào bản là những vạt lúa nương xen lẫn những cánh đồng lúa nước vàng óng đang bước vào vụ gặt. Bước chân vào bản chúng tôi bắt gặp những ánh mắt, nụ cười thân thiện của bà con dân bản, không còn những cái nhìn nghi ngại với khách nơi xa đến như những năm trước đây. 

Trưởng bản Na Ư, ông Ly A Pó nhớ lại: Trước đây, khoảng những năm 1997 trong bản đâu đâu cũng có người buôn bán trái phép chất ma túy, đâu đâu cũng có người nghiện. Trước sức hút của đồng tiền, các ông “trùm” ma túy đã tạo sự ảnh hưởng, lôi kéo một số cán bộ, người dân nơi các bản làng thuộc xã Na Ư vào đường dây của mình. 

Những con đường ở Na Ư không còn “ổ trâu”, “ổ voi”
Những con đường ở Na Ư không còn “ổ trâu”, “ổ voi”

Nhưng đó là chuyện của hơn 15 năm trước, Na Ư giờ đã đổi khác. “Nhờ sự tuyên truyền của các cấp chính quyền, nhận thức của bà con về tác hại của ma túy đã được nâng cao, không còn vì cái lợi trước mắt mà phạm tội như trước nữa”, Trưởng bản Ly A Pó tự hào nói.

Ðặc biệt, không để tội phạm, tệ nạn ma túy có cơ hội len lỏi trở lại, xã đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng cử các tổ công tác “cắm bản” tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc; thường xuyên tuyên truyền vận động, giải thích cho người dân hiểu và nhận thức sâu sắc về tác hại của ma túy để tránh xa, trở về với ruộng đồng, làm ăn phát triển kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn xã chỉ có 2 vụ việc phạm tội về ma túy.

Hồi sinh vùng “đất chết”

Con đường từ Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Tây Trang dẫn vào trung tâm xã Na Ư đã được trải nhựa phẳng lỳ, chúng tôi không còn thấy “ổ trâu”, “ổ voi”, đường trơn trượt như thuở nào. Thay vào đó là hệ thống giao thông tiện lợi, góp phần đem lại một Na Ư hồi sinh sau “cơn lốc” ma túy. 

Ông Và A Lử, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ư chia sẻ, Na Ư là một xã biên giới cách trung tâm huyện 36km. Toàn xã có 6 bản, 334 hộ, với 100% bà con dân tộc Mông sinh sống. Toàn xã hiện có 3 cấp học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) với 664 em học sinh theo học. 100% các em học sinh đến tuổi đều được đến trường. Hoạt động trung tâm học tập cộng đồng tại xã tiếp tục được duy trì. 

Đáng chú ý, với sự hăng hái lao động, sản xuất, chỉ tính riêng vụ lúa mùa vừa qua, tổng diện tích gieo trồng của toàn xã đạt gần 10.000 con gia súc, gia cầm… Nhờ đó, bà con có đầy đủ lương thực ổn định cuộc sống.

Song song với công tác đẩy lùi tệ nạn ma túy là sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng cơ sở, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là các chương trình ưu tiên, dành riêng cho đồng bào các dân tộc vùng biên giới khó khăn. Điển hình như từ nguồn vốn của Chương trình 135 đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa đường nội đồng nhánh ở bản Na Ư với nguồn vốn 1 tỷ đồng; dự án đường bê tông bản Ka Hâu; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất về nuôi lợn nái sinh sản ở bản Púng Bửa… 

Người dân Na Ư tập trung lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo
Người dân Na Ư tập trung lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh. Tính đến cuối năm 2019, toàn xã còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 30%. Xã cũng đã hoàn thành 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng bào dân tộc phấn khởi, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương. 

Anh Vàng Chống Khứ, ở bản Na Ư, từng phải chịu án 12 năm tù giam vì tội buôn bán chất ma túy, mãn hạn tù trở về địa phương từ năm 2012 chia sẻ: “Được hỗ trợ 1 con bò giống từ Chương trình 135, gia đình rất phấn khởi. Mình sẽ chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Mình sẽ không phạm tội nữa”. 

Chia tay Na Ư với những cái bắt tay thật chặt của người dân và lãnh đạo xã, như tiếp thêm niềm tin về sự thay đổi, dẫu phía trước vẫn còn nhiều gian khó. Sau cơn mưa tầm tã vào buổi sáng, bầu trời Na Ư trở lại trong xanh. Trên những cánh đồng lúa vàng óng, đồng bào Mông đang khẩn trương thu hoạch lúa. Một mùa vàng no ấm đang về… 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.