Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm chính thức Bangladesh từ ngày 21 - 23/9.
Đây là chuyến thăm Bangladesh lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, diễn ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (11/2/1973 - 11/2/2023).
Ngay sau lễ đón chính thức được tổ chức trang trọng tại Nhà Quốc hội Bangladesh sáng nay, 21/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiến hành hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury nồng nhiệt chào mừng và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Bangladesh lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thắm tình hữu nghị và trân trọng chuyển tới Chủ tịch Quốc hội Bangladesh lời thăm hỏi và chúc sức khỏe của các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Hai nhà Lãnh đạo cũng cho rằng, hai bên chia sẻ nhiều điểm tương đồng về lịch sử, địa lý, văn hóa, nhất là truyền thống đấu tranh giành độc lập, tự do dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người cha già dân tộc của Bangladesh Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman lãnh đạo.
Hai nhà Lãnh đạo đã thông báo cho nhau về tình hình của mỗi nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Bangladesh về các thành tựu gần đây; đặc biệt, GDP tăng trưởng hơn 7% trong năm tài khóa 2021 - 2022, Bangladesh đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới về các sản phẩm may mặc và là hình mẫu đi đầu trong việc xây dựng các nhà máy xanh.
Chủ tịch Quốc hội cũng chúc Bangladesh tổ chức thành công Tổng tuyển cử sắp tới, thực hiện thành công “Tầm nhìn 2041”, đưa Bangladesh trở thành quốc gia hiện đại và tri thức vào năm 2041 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước.
Bà Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury đánh giá cao các thành tựu kinh tế - xã hội cũng như vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam; nhắc lại các ấn tượng tốt đẹp và khâm phục về đất nước và con người Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2017 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trao đổi về quan hệ song phương, hai nhà Lãnh đạo khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Bangladesh; đánh giá quan hệ hai nước có nền tảng vững chắc là sự tin cậy lẫn nhau, tình cảm gắn bó, thân thiết giữa nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước; có nhiều tiềm năng hợp tác có thể bổ sung và hỗ trợ cho nhau.
Thời gian qua, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tích cực bất chấp đại dịch Covid-19, trong đó có việc tiếp tục duy trì các tiếp xúc cấp cao; thương mại tăng trưởng tốt, đạt 1,5 tỷ USD năm 2022, đưa Bangladesh trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở khu vực Nam Á.
Hai nhà Lãnh đạo đánh giá, trong quan hệ hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác triệt để. Trên tinh thần đó, hai bên đã thảo luận và nhất trí một số định hướng lớn nhằm đưa quan hệ hợp tác hai nước lên một tầm cao mới.
Về chính trị, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp và các kênh Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cũng như giao lưu nhân dân; thúc đẩy triển khai các cơ chế song phương, nhất là Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Chủ tịch cũng đánh giá cao việc Bangladesh vừa thành lập Hội Hữu nghị Bangladesh - Việt Nam.
Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Bangladesh là thị trường tiềm năng với gần 170 triệu dân, có sức tiêu thụ lớn và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam; đề nghị Bangladesh tiếp tục tạo điều kiện để Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào Bangladesh, nhất là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như máy móc nông nghiệp, nguyên vật liệu, hàng gia dụng, điện tử, nông-thủy sản chế biến; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm Halal.
Bà Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư Việt Nam - Bangladesh; kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường, đầu tư tại Bangladesh, nhất là tại các đặc khu kinh tế vừa mở theo sáng kiến của Thủ tướng Sheikh Hasina; tạo thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng xuất khẩu của Bangladesh, trong đó có dược phẩm, gốm sứ, da giày..., để góp phần cân bằng cán cân thương mại.
Bà Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury ghi nhận các đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc Bangladesh cử học sinh, sinh viên sang các trường đại học của Việt Nam và phân hiệu các trường đại học uy tín của các nước mở tại Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành của hai nước ký kết hợp đồng triển khai các tour du lịch đến Việt Nam và Bangladesh; và tăng cường kết nối đường hàng không, khuyến khích các hãng hàng không mở đường bay thẳng hoặc kết nối qua nước thứ ba.
Trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai Quốc hội, hai nhà Lãnh đạo vui mừng thông báo việc hai bên đã thành lập Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Bangladesh và Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Bangladesh - Việt Nam nhằm góp phần tăng cường hơn nữa giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm của nghị sĩ hai nước.
Dịp này, đề cập cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống, làm ăn ở bạn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cộng đồng tuy số lượng nhỏ nhưng đoàn kết, có tình cảm gắn bó với cả Bangladesh và Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bangladesh quan tâm tạo điều kiện để người Việt Nam sinh sống và làm việc ổn định, an toàn, làm tốt vai trò nhịp cầu hữu nghị giữa hai đất nước.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; cho rằng với việc cả Việt Nam và Bangladesh đều là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, hai nước sẽ có nhiều cơ hội để cùng trao đổi, thúc đẩy hợp tác các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có nội dung biến đổi khí hậu và quyền con người.
Cuộc hội đàm diễn ra trong không khí cởi mở, chân thành. Kết thúc hội đàm, hai nhà Lãnh đạo ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội và chứng kiến lễ ký Bản Ghi nhớ hợp tác giữa hai Văn phòng Quốc hội.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Chủ tịch Quốc hội Bangladesh sang thăm Việt Nam vào thời gian thuận tiện và Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury đã vui vẻ nhận lời.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đến thăm và đặt vòng hoa tại Bảo tàng tưởng niệm Người Cha già dân tộc Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman.
Chiều 21/9, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có cuộc làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội Bangladesh K.M. Abdus Salam.
Tại cuộc làm việc, hai Tổng Thư ký nhấn mạnh, kết quả hội đàm và hai Bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký sẽ là cơ sở quan trọng để Quốc hội hai nước và Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội, hai cơ quan tham mưu, giúp việc Quốc hội thường xuyên và thực chất hơn nữa, góp phần thúc đẩy, mở rộng quan hệ hai nước.
Về hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh, hai Tổng Thư ký nhất trí tích cực triển khai ngay các nội dung tại Bản ghi nhớ hợp tác.
Hai Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã giới thiệu về cơ cấu, tổ chức hoạt động và vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội và của Ban Thư ký, Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh; chia sẻ kinh nghiệm trong việc số hoá hoạt động của Quốc hội và cơ quan tham mưu, giúp việc hai nước, kinh nghiệm tổ chức các phiên giải trình, chất vấn tại Quốc hội cũng như tại các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trong việc thực hiện các kết luận chất vấn, giám sát của Quốc hội.
Hai Tổng Thư ký Quốc hội cùng nhấn mạnh yêu cầu và tầm quan trọng của việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, mong muốn, nguyện vọng của người dân.