Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Công nghệ nông nghiệp nổi ở Bangladesh – Cách ứng phó với biến đổi khí hậu

Duy Ly (Theo zenger.news) - 12:09, 17/05/2021

“Hơn nửa năm nay, chúng tôi vẫn phải sống chung với lũ lụt” – ông Montu Mian, một nông dân đến từ quận Satkhira, phía nam Bangladesh than thở với phóng viên báo Zinger News.

Người dân Bangladesh chăm sóc các luống nổi của mình (Ảnh zenger.news)
Người dân Bangladesh chăm sóc khu vườn nổi của mình (Ảnh zenger.news)

Từ thực trạng điều kiện tự nhiên

Ông Montu Mian chia sẻ thêm: “Vấn đề nhiễm mặn đã tồn tại từ lâu, chúng tôi không thể trồng trọt, cũng chẳng thể nuôi cá. Nếu nuôi cá trong ao, thì chúng tôi không thể sử dụng nước đó cho việc sinh hoạt, bởi nó rất bẩn. Nguồn nước giờ đây vô cùng xa xỉ với chúng tôi vì nó đã bị nhiễm mặn”.

Hai phần ba diện tích của Bangladesh là các vùng đất ngập nước, phần lớn đất bị ngập suốt 8 tháng trong một năm. Quốc gia Nam Á này dễ bị lũ lụt và ngập úng do các nhánh sông Ganga-Brahmaputra chảy qua quốc gia này thường xuyên thay đổi dòng chảy.

“Năm ngoái, Bangladesh đã chứng kiến ​​đợt gió mùa lớn, nhấn chìm một phần ba diện tích”, Thủ tướng Sheikh Hasina phát biểu trước hội nghị gồm 40 nhà lãnh đạo thế giới, do Tổng thống Mỹ Joseph R. Biden triệu tập để thảo luận về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Bà Thủ tướng Hasina thể hiện mong muốn vào việc các quốc gia G20 cùng nhau chung tay ngăn chặn lượng khí thải carbon.

Khi các đại biểu tham dự hội nghị nêu ra “Nhu cầu về công nghệ để giải quyết tình trạng thay đổi trong nông nghiệp do biến đổi khí hậu”, bà Hasina nhấn mạnh rằng: Bangladesh đã phát minh ra cây trồng chịu mặn và chịu lũ, công nghệ nông nghiệp nổi và nhà máy xử lý nước di động cho người dân ven biển.

Khi đất đai trở nên khan hiếm, Miya – một người nông dân ở Barisal, Bangladesh buộc phải sử dụng “Dhaps” để giúp gia đình anh tiếp tục duy trì cuộc sống. Dhaps là tên địa phương, được lấy để đặt cho hoạt động nông nghiệp trong vườn nổi hay phương pháp thủy canh. Miya cho biết, đây là một kiểu làm vườn khi trồng cây mà không cần đất - một kỹ thuật đã được tổ tiên của anh sử dụng cách đây 300 - 400 năm ở vùng đồng bằng ngập lụt miền Trung của Bangladesh.

“Phương pháp này đã trở thành một may mắn cho chúng tôi,” Miya nói. “Bây giờ chúng tôi có thể nuôi cá và trồng rau cùng nhau mà không gây ô nhiễm ao hồ. Nó đã trở thành nguồn thu nhập ổn định của nhiều nông dân nghèo không có đất như tôi ”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden, tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về biến đổi Khí hậu tại Washington, D.C ngày 22.4.2021 (Ảnh BBC)
Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden, tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về biến đổi Khí hậu tại Washington, D.C ngày 22.4.2021 (Ảnh BBC)

Đến những khu vườn nổi

Giải thích về khoa học, Miya cho biết: “Phương pháp canh tác này là sự kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản lồng nổi và trồng rau. Đất với một ít phân trộn và phân bón được sử dụng làm giá thể cho cây trồng trong các chậu nổi gắn vào lồng cá. 

Chất thải do cá nuôi tạo ra nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, từ đó làm sạch nước ”. Các khu vực phía Nam và Tây Nam của Bangladesh, các quận Barisal, Pirojpur và Gopalganj là trung tâm của các khu vườn nổi.

Hầu hết nông dân ở những khu vực này đều nghèo và không có đất. Để tồn tại, họ thu gom lục bình (bèo tây) và thân cây lúa để làm thành một “chiếc đệm” chắc chắn – đó là các luống nuôi nổi (vườn nổi) đặt ở những vùng bị ngập lụt. Cây con sau đó được trồng trên các luống nổi này.

Fahmida Akter một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Y tế Công cộng James P.Grant của Đại học Brac, Dhaka, Bangladesh nói với Zenger News: “Các luống nuôi nổi được làm bằng lục bình và cỏ dại thủy sinh địa phương, giúp cho việc khởi đầu dễ dàng bởi giá thành rẻ. 

Lục bình được chất thành đống trên một giá thể tre, sau khi luống đạt kích thước và độ dày mong muốn, nó sẽ phân hủy trong 2-3 tuần trước khi đưa vào nuôi trồng”. Cô cho biết kích thước, đặc biệt là chiều dài, của những đệm nổi này thay đổi tùy theo từng nơi. Ở Gopalganj, đệm nổi nhỏ hơn nhiều so với ở Pirojpur và Barisal.

Một khu vườn nổi mất khoảng 12 giờ để hoàn thành nếu hai người đàn ông cùng làm. Hạt giống được đặt bên trong các quả bóng làm bằng đất và bọc ngoài bằng xơ dừa. Sau khoảng bảy ngày, cây con sẽ mọc lên và chúng được cấy vào vườn nổi.

Haseeb Irfanullah, một nhà môi trường học và là cựu điều phối viên tại Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế ở Bangladesh cho biết, các khu vườn nổi rất thân thiện với môi trường. Ông nói: “Vì luống nổi là một tập quán truyền thống, nên nông dân chưa bao giờ được học về các chất hóa học sử dụng cho cây trồng. Toàn bộ điều là tự nhiên”.

Hệ thống di sản nông nghiệp toàn cầu

Năm 2015, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đã tuyên bố, các khu vườn nổi của Bangladesh là một hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu. Các khu vườn nổi cung cấp đủ lương thực cho gia đình nông dân, đặc biệt là trong các đợt gió mùa. Rau và gia vị được những người nông dân đem bán, mang lại cho họ nguồn thu nhập đáng kể trong những tháng này.

Theo báo cáo từ Tổ chức Nông lương thế giới, lợi nhuận trung bình của nông dân trong những tháng gió mùa lên tới 140 đô la trên 100 mét vuông. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hệ thống này có thể là quy trình sản xuất lương thực cho 60-90% người dân ở các vùng đất ngập nước phía nam Bangladesh.

Các luống nuôi nổi được làm bằng bèo tây và cỏ dại thủy sinh sẵn có tại địa phương
Các luống nuôi nổi được làm bằng bèo tây và cỏ dại thủy sinh sẵn có tại địa phương

Các loại rau được trồng chủ yếu trên các luống nổi có thể kể đến như mồng tơi, cà tím, mướp đắng, bí đỏ, bầu bí và các loại gia vị như nghệ, gừng. Cây lúa cũng có thể được phát triển tại đây. Vào mùa lũ lụt, những chiếc thuyền nhỏ được nông dân sử dụng để di chuyển giữa các khu vườn nổi. Khi mực nước xuống, các luống nổi sẽ bị phá vỡ rồi trộn với đất để trồng các loại cây vụ đông như súp lơ, cà chua, bắp cải…

Thế giới học được gì từ Bangladesh?

Khu vườn nổi thường gắn liền với các cộng đồng bản địa với những cái tên khác nhau như; ‘Radh’ ở Kashmir, ‘pontha’ ở phía đông nam của Ấn Độ, ‘kaing’ ở Myanmar, ‘chinampas’ ở Mexico và ‘dhap’ hoặc ‘baira’ ở Bangladesh. Đây hầu hết là các quốc gia phải hứng chịu những hậu quả tàn khóc do biến đổi khí hậu. Hệ thống vườn nổi này có thể được áp dụng và nhân rộng cho các quốc gia tương tự để tạo ra lương thực, cũng như trở thành một lựa chọn sinh kế.

Các quốc gia có khí hậu khô hạn như Ấn Độ, ngày càng quan tâm hơn đến các giải pháp canh tác thủy canh bền vững. Tuy nhiên bà Mythri Arun, một nhà nghiên cứu tại Đại học PES cũng cảnh báo rằng, mô hình này sẽ không thể thực hiện được ở hầu hết các vùng của Ấn Độ do hạn hán và thời tiết khó lường, hệ thống nước bị ô nhiễm và chi phí vận chuyển hàng hóa cao.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.