Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Hỗ trợ đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid-19: Tăng cường nguồn lực địa phương

Sỹ Hào - 21:17, 29/04/2020

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào DTTS. Để những đối tượng yếu thế không bị lùi lại phía sau, tác động đến mục tiêu giảm nghèo của cả nước, nhất là ở vùng DTTS và miền núi, thì việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước là hết sức quan trọng.

Huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách để hộ nghèo vượt qua khó khăn. (Ảnh minh họa).
Huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách để hộ nghèo vượt qua khó khăn. (Ảnh minh họa).

Ngân hàng vào cuộc

Tín dụng ngân hàng là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực nhất do đại dịch Covid-19. Nhưng từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chung tay cùng người dân, doanh nghiệp vượt “bão dịch”. Mỗi TCTD đều có những giải pháp hỗ trợ cụ thể với những khách hàng đặc thù của mình.

Với khách hàng là hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào DTTS khó khăn, lâu nay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) là “điểm tựa”. Vì thế, trong đại dịch Covid-19, nhóm khách hàng này tiếp tục được Ngân hàng CSXH tiếp sức. Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, đến nay đơn vị này đã gia hạn nợ cho 102.930 khách hàng, với dư nợ là 2.815 tỷ đồng.

Đặc biệt, với các địa bàn bị khoanh vùng, cách ly để phòng, chống dịch, Ngân hàng CSXH đã tạm dừng thu nợ gốc, thu lãi cho đến khi có thể tổ chức hoạt động giao dịch bình thường. Đây là sự hỗ trợ kịp thời đối với những hộ vay vốn, nhất là hộ đồng bào DTTS nghèo dư nợ, đang thực hiện cách ly để phòng, chống dịch.

Theo tổng hợp của Ủy ban Dân tộc từ báo cáo của 47/51 tỉnh, thành vùng DTTS và miền núi, tính đến ngày 21/4, có 3.594 người DTTS đang cách ly tại nhà thuộc 8 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Kon Tum); 1.416 người DTTS đang cách ly tập trung tại các cơ sở, trung tâm y tế thuộc 7 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Kon Tum). Ngoài ra, hiện có 813 hộ DTTS nghèo, cận nghèo, hộ neo đơn tại 2 tỉnh Kon Tum, An Giang có nguy cơ bị thiếu đói giáp hạt do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cần sự chung tay

Cùng với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu được thông qua, từ ngày 1/4 đến hết năm 2020, hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 15%, các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%.

Sự chủ động của Ngân hàng CSXH cho thấy, đơn vị là “cánh tay nối dài” của Chính phủ trong việc hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách. Để Ngân hàng CSXH có đủ nguồn lực triển khai các giải pháp hỗ trợ thì ngay lúc này, các địa phương phải quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH (QĐ 401).

Một trong những yêu cầu trong QĐ 401 là các địa phương phải huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH. Đồng thời, các địa phương phải phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, dự án khác để giúp người vay sử dụng vốn vay hiệu quả, trả được nợ ngân hàng. Nguồn lực lồng ghép này sẽ được các địa phương chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH các cấp.

Trong điều kiện cấp bách bổ sung nguồn lực như hiện nay thì chỉ mới có một số địa phương thực hiện chuyển vốn ủy thác, nhưng chưa đủ. Như TP. Hà Nội, nhu cầu cho vay cần bổ sung là 1.000 tỷ đồng, nhưng hiện mới chuyển sang được 650 tỷ đồng. Còn TP. Hồ Chí Minh cũng mới chuyển 760 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH; số vốn này chỉ đủ để cho vay bổ sung đến hết tháng 5/2020, các tháng còn lại chưa có.

Việc cấp bách lúc này, là các địa phương phải nhanh chóng chuyển nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Có như vậy, các chương trình tín dụng chính sách mới có đủ vốn để hỗ trợ hộ nghèo, các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Civd-19.