Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả từ mô hình cô đỡ thôn bản tại Lai Châu

Thùy Giang - 15:13, 01/03/2023

Tại một số thôn bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn tồn tại tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với tính mạng và sức khỏe sinh sản của bà mẹ và trẻ sơ sinh. Từ thực tiễn cho thấy, mô hình cô đỡ thôn bản đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.

Cô đỡ Tẩn Xa Nhị (ở giữa) tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Bản Lang (huyện Phong Thổ, Lai Châu).
Cô đỡ Tẩn Xa Nhị (ở giữa) tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Bản Lang (huyện Phong Thổ, Lai Châu).

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lai Châu, tỷ lệ phụ nữ mang thai, sinh con tại nhà của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá cao. Năm 2022, toàn tỉnh có 2.615 trường hợp sinh con tại nhà trong tổng số 7.284 ca sinh, chiếm 35,9% (tăng 1,76% so với năm 2021). Trong đó tập trung tại các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Tân Uyên.

Thực tiễn cho thấy, việc hỗ trợ các ca sinh nở tại địa phương và tuyên truyền cho bà mẹ mang thai đi khám thai, sinh con tại các cơ sở y tế là vô cùng cần thiết, giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản cho các bà mẹ ở vùng DTTS.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có các chính sách quan tâm đến y tế thôn bản. Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP. Sự thay đổi trong chính sách đã ảnh hưởng, tác động đến thu nhập khiến đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Chất lượng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ sơ sinh tại các bản làng vùng cao gặp khó khăn.

Ông Trần Đỗ Kiên - Giám đốc CDC tỉnh Lai Châu cho biết: 3 năm vừa qua, mô hình cô đỡ thôn bản tại địa phương đã được các dự án phi chính phủ quan tâm, tài trợ. Cụ thể, Quỹ thiện tâm thuộc Tập đoàn VinGroup và Tổ chức phi chính phủ Samaritan’s Purse đã hỗ trợ chi trả chế độ phụ cấp hằng tháng cho 89 cô đỡ thôn bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Trong khuôn khổ Dự án “Làm mẹ an toàn” do tổ chức Samaritan’s Purse tài trợ, 60 cô đỡ thôn bản đang thực hiện công việc tại 27 xã thuộc 5 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ và Sìn Hồ đã được thụ hưởng các chế độ phụ cấp hằng tháng.

Cô đỡ Tẩn Xa Nhị (24 tuổi, dân tộc Dao) kể lại những kỷ niệm trong 8 năm làm cô đỡ tại các bản của xã Bản Giang, huyện Phong Thổ. Kỷ niệm nhớ nhất là thời điểm bản thân cô đang mang thai 8 tháng nhưng vẫn đi đỡ đẻ, kịp thời cứu được sản phụ Lỳ Xa Xảm (dân tộc Dao, ở Nà Đoong, Phong Thổ) qua cơn nguy kịch.

Cán bộ Trạm Y tế xã Dà Sề Phìn (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) hướng dẫn vợ chồng trẻ chăm sóc trẻ sơ sinh. (Ảnh Việt Hoàng)
Cán bộ Trạm Y tế xã Dà Sề Phìn (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) hướng dẫn vợ chồng trẻ chăm sóc trẻ sơ sinh. (Ảnh Việt Hoàng)

“Hôm ấy nghe tin sản phụ Lỳ Xa Xảm bị vỡ ối sớm, nhưng gia đình không báo với cơ sở y tế mà vẫn để sinh con ở nhà. Khi mình đến thì sản phụ đã cạn ối, bị đau dữ dội, không còn sức để rặn đẻ. Mình kịp thời hỗ trợ, động viên giúp sản phụ vượt cạn. Khi cháu bé chào đời, toàn thân đã tím tái, nhưng may sao vẫn cứu được an toàn cho cả mẹ và con. Giờ thì cháu bé đã được 3 tuổi rồi. Kháu khỉnh lắm!”, cô đỡ Tẩn Xa Nhị phấn khởi kể lại.

Ngoài công việc đỡ đẻ, Tẩn Xa Nhị cũng như nhiều cô đỡ thôn bản khác còn thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, năm 2022, có 93,2% thôn, bản có cán bộ y tế, 88,68% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Trong tương lai, tỉnh đang phấn đấu mỗi thôn, bản đều có cán bộ y tế để thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Bằng nhiều hình thức, tỉnh Lai Châu và ngành Y tế đã có những quan tâm duy trì mô hình cô đỡ thôn bản nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ sơ sinh, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho bà con vùng DTTS.

Bộ Y tế đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về giải pháp thực hiện chính sách đối với nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản với nội dung: Duy trì bảo đảm mỗi thôn bản có từ 1 đến 2 nhân viên y tế thôn bản đã được đào tạo hoạt động phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế ở địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.