Đây là thực tế mà các nhà hoạch định chính sách cần phải nhìn thẳng nếu muốn thực hiện mục tiêu giảm tử vong cho bà mẹ và trẻ em ở vùng DTTS và miền núi.
Thiếu về lượngPhố Cáo là xã biên giới của huyện Đồng Văn (Hà Giang) có diện tích tự nhiên lên tới 37,23km2 (tương đương khoảng 3.723ha). Toàn xã có khoảng 5.000 nhân khẩu (92% dân số là dân tộc Mông), sinh sống tại 18 thôn bản; đường giao thông nối các thôn bản còn rất khó khăn.
Giao thông cách trở, cộng với nhiều hủ tục trong sinh đẻ (cắt rốn bằng nứa, chỉ được đẻ trong xó bếp, trẻ em sinh ra cả tháng trời không được tắm rửa,…) nên tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em sau khi sinh ở đây thường rất cao. Để giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em sau khi sinh, nhiều năm nay, cùng với việc phát triển đội ngũ nhân viên y tế thì xã Phố Cáo cũng được triển khai mô hình CĐTB.
Theo bà Phạm Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Phố Cáo, mô hình CĐTB không chỉ góp phần giảm tỷ lệ tử vong sau khi sinh mà còn tác động thay đổi nhận thức trong việc sinh đẻ của nhân dân trên địa bàn. Nhưng chỉ đáng tiếc là chỉ tiêu CĐTB dành cho xã quá ít.
“Địa bàn xã rất rộng, dân cư phân bố không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn nhưng chỉ bố trí được 3 CĐTB nên chưa đáp ứng được nhu cầu thăm khám, đỡ đẻ cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân”, bà Hiền cho biết.
Số lượng 3 CĐTB ấy là năm 2016 trở về trước. Còn từ năm 2017, khi chế độ phụ cấp 200 nghìn đồng/người/tháng bị cắt, có 2 CĐTB ở Phố Cáo đã nghỉ việc để ở nhà làm nương rẫy; trách nhiệm CĐTB ở Phố Cáo (thăm khám, đỡ đẻ, tuyên truyền, vận động,…) chỉ còn trông chờ vào một người duy nhất, đó là chị Thào Thị Se (30 tuổi).
Tại Hội nghị biểu dương CĐTB tiêu biểu trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế tổ chức (ngày 28/2/2018), “cô đỡ” Thào Thị Se đã có những chia sẻ về nghề. Se bảo: Công việc của CĐTB rất vất vả, gần như việc gì cũng tham gia. Từ khám thai, đỡ đẻ, tiêm chủng cho trẻ, hướng dẫn bà mẹ về cách vệ sinh cá nhân, cách vệ sinh cho con nhỏ và cách cho con bú,… cho đến tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe như ăn chín, uống sôi, nằm màn, diệt muỗi…
“Trước đây em chỉ phụ trách 3 bản. Nay 2 chị nghỉ nên nhiều lúc phải kiêm luôn, làm không xuể”, Se tâm sự.
“Làm không xuể” cũng là tình cảnh chung của các CĐTB trên cả nước hiện nay. Theo số liệu của Bộ Y tế, cả nước hiện có 2.755 CĐTB đang hoạt động tại 8.165 thôn bản khó khăn trên cả nước.
Vị chi, một CĐTB phải phụ trách bình quân 3 thôn bản. Chỉ tính riêng thực hiện nhiệm vụ chính (thăm khám, đỡ đẻ,…), số lượng đầu việc của một CĐTB là rất lớn.
Đãi ngộ chưa tương xứngCông việc bộn bề là vậy nhưng lâu nay, chế độ đối với CĐTB vẫn chỉ mang tính động viên, khuyến khích. Theo quy định, kinh phí để duy trì đội ngũ CĐTB chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương. Trong khi đó, hầu hết các địa phương có CĐTB hoạt động đều là những tỉnh miền núi, còn nghèo, chưa đủ khả năng tự cân đối ngân sách.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, hiện mới chỉ có các tỉnh: Điện Biên, Ninh Thuận, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang thực hiện cân đối ngân sách hỗ trợ CĐTB 200 nghìn đồng/tháng theo Quyết định 57/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là chưa tính tới trường hợp, một khi địa phương không có khả năng cân đối được ngân sách thì chế độ này sẽ bị cắt.
Như trường hợp tỉnh Hà Giang, từ năm 2017 đã phải cắt chế độ hỗ trợ dành cho CĐTB. Vì thế, nhiều CĐTB đã nghỉ việc. Chỉ riêng xã Phố Cáo đã có 2 CĐTB nghỉ việc. Còn với Thào Thị Se, như chia sẻ của chị thì chắc cũng phải nghỉ.
“Trước kia do có phụ cấp nên đi khám đều đặn cho thai phụ mỗi tháng 1 lần. Còn bây giờ, do phải lo việc nương rẫy nên 3 tháng mới có thể đến nhà khám cho họ. Đó cũng vì trách nhiệm, vì sự gắn bó. Em yêu công việc nhưng không còn phụ cấp nữa nên cũng chán”, Se tâm sự.
Theo bà Nguyễn Thị Lành, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Cao Bằng, chủ trương đào tạo CĐTB của Bộ Y tế tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa là giải pháp phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, mức hỗ trợ chỉ 200.000 đồng/tháng là quá thấp; hơn nữa từ 2017 đến nay, CĐTB ở nhiều tỉnh không nhận được nguồn trợ cấp này nữa. Việc này đã gây khó khăn cho ngành Y tế trong việc động viên các cô đỡ nhiệt tình tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thai phụ.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng: Bộ Y tế và các bộ ngành cần tiếp tục quan tâm và có những chính sách ưu đãi hơn nữa cho đội ngũ CĐTB. UBND các tỉnh, nhất là các địa phương có đồng bào DTTS khó khăn cần tiếp tục phát triển mạng lưới đội ngũ này, quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo cho các CĐTB có điều kiện làm việc tốt nhất.
Thực tế, những đóng góp của đội ngũ CĐTB đã được các ngành, các cấp cùng nhân dân vùng khó khăn ghi nhận. Để đội ngũ hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS thì trước mắt, các bộ ngành, địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Về lâu dài, đội ngũ CĐTB phải được khẳng định là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến trên do các khó khăn về địa lý và phong tục tập quán.
SỸ HÀO