Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Chỉ với 2 con dê giống làm vốn ban đầu, sau gần 10 năm, gia đình chị Huach ở làng Đê Ktu, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang (Gia Lai) đã có đàn dê gần 30 con. Chị Huach chia sẻ: “Gần 10 năm trước, làng mua 1 cặp dê để cúng nhà rông mới, nhưng sau đó giữ lại 1 con dê cái. Lúc đó, mình thấy rẻ nên mua về nuôi. Mình nhận thấy nuôi dê không khó, thức ăn cũng dễ kiếm nên vay tiền mua thêm 1 con dê đực”. Nhờ chăm sóc tốt nên cặp dê giống của gia đình chị Huach phát triển khỏe mạnh, sinh sản 2 năm 3 lứa, mỗi lứa 1 - 2 con. Dành dụm từ tiền bán dê, chị đã mua được 2 con bò, 5 sào đất trồng cà phê và vươn lên thoát nghèo.
Không riêng gia đình chị Huach, nhiều hộ dân ở thị trấn Kon Dơng cũng mạnh dạn phát triển chăn nuôi dê khi nhận thấy hiệu quả kinh tế từ vật nuôi này mang lại. Chỉ tay về phía chuồng dê của gia đình, bà Srắt (làng Đê Hrel) cho hay: “Lúc trước, nhà mình chỉ nuôi bò, không quen nuôi dê. Cách đây 2 năm, thấy bà con nuôi dê không cần chăn thả, lại sinh sản nhanh, mình cũng thử nuôi 1 con. Đến nay, mình có 4 con rồi”.
Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi cá lồng được nhân rộng ở huyện Ia Grai. Ông Rơ Châm Pich, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khai rất tâm đắc với Tổ hợp tác nuôi cá lồng gồm 6 hộ đồng bào Gia Rai ở làng Nú. “Tổng cộng có 12 lồng, nhưng trước mắt chúng tôi chỉ nuôi thử nghiệm 4 lồng, chủ yếu là cá diêu hồng và cá trê. Khoảng 2 tháng nữa, chúng tôi sẽ thu hoạch mẻ cá đầu tiên, dự kiến đạt 1,5 tạ/lồng. Đất đai ngày càng cằn cỗi, giá cả các loại nông sản bấp bênh trong khi địa phương lại có lợi thế về nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích người dân mở rộng mô hình để nâng cao thu nhập”, ông Pich nói.
Để từng bước giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm , từ năm 2011 đến nay, MTTQ các cấp đã xây dựng 400 mô hình trên các lĩnh vực và nhân rộng 398 mô hình với 18.274 hộ đồng bào DTTS tham gia thực hiện. Những mô hình, cách làm hay đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, chi tiêu hợp lý để tích lũy và từng bước xóa bỏ các hủ tục…
Ông Rơ Châm Đêr ở làng Pôk, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh (Gia Lai) chia sẻ: “Người dân làng mình giờ không ai thả rông heo, bò nữa. Nhà có điều kiện kinh tế thì làm chuồng nuôi nhốt kiên cố, hộ khó khăn hơn cũng làm chuồng tạm, xa nơi ở, giếng nước. Các hộ dân cũng làm hàng rào, đào hố rác sau nhà, vệ sinh đường làng sạch đẹp”.
Góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững
Thống kê từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho thấy, qua 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, các ngành, địa phương đã giúp 29.528 hộ DTTS tiến bộ vươn lên thoát nghèo. Đề cập về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Ưa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện cho biết, giai đoạn 2011 - 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các tổ chức thành viên khảo sát, xây dựng được 54 mô hình và nhân rộng 41 mô hình, điển hình như: “Cánh đồng một giống đối với cây lúa”, “Di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn”, “Trồng rau xanh”...
“Từ các mô hình trên, 1.873 hộ DTTS nghèo trên địa bàn huyện thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất và biết tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất”, ông Ưa thông tin.
Tại huyện Mang Yang (Gia Lai), nhiều mô hình cũng đã phát huy hiệu quả như: “Đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế bằng cách vần công, đổi công”, “Gây quỹ cho các hộ vay vốn trong những lúc khó khăn”, “Cải tạo và xóa vườn tạp trong các làng đồng bào DTTS”...
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang, cuộc vận động đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của bà con DTTS. Người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng vốn vay hiệu quả... Nhờ đó, số hộ nghèo giảm từ 3.946 hộ (32,08%) năm 2011 xuống còn 1.645 hộ (chiếm 9,83%) cuối năm 2020.
Hưởng ứng cuộc vận động, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã cụ thể hóa, lồng ghép việc triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị thông qua các phong trào, cuộc vận động. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã thành lập được 235 câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng” với 4.814 thành viên tham gia, tiết kiệm được trên 16,1 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình…; Tỉnh Đoàn xây dựng được 82 làng thanh niên “2 không, 2 có” với 8.078 thanh niên tham gia; Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ xây mới và sửa chữa 116 “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên DTTS với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng…
Theo bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy đảng, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền về cuộc vận động. Cụ thể hóa nội dung sổ tay thực hiện cuộc vận động sát với tình hình thực tiễn và phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương; gắn triển khai thực hiện cuộc vận động với các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động và các phong trào để giảm nhanh hơn nữa tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS./.
(Tít bài do Báo Dân tộc và Phát triển đặt)