Xuất phát từ chính nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, phong trào văn nghệ quần chúng ở Điện Biên đã luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm duy trì, nhân rộng. Các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ... được hình thành và phát triển với nhiều quy mô khác nhau. Hàng năm, ngoài các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn do tỉnh, huyện tổ chức, trong những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức hoạt động văn nghệ thể thao, thu hút người dân tham gia. Trong những hoạt động này, hầu hết các tiết mục tham gia đều hướng vào tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước, được đầu tư dàn dựng công phu, chất lượng nghệ thuật tốt và có tính lan tỏa cao, phù hợp với thị hiếu của người dân địa phương. Đặc biệt, nhiều đội văn nghệ đã khai thác, phát huy hiệu quả thế mạnh văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: Hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa khèn của dân tộc Mông, múa xèo của dân tộc Thái...
Chị Lò Thị Thơm, thành viên đội văn nghệ bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: “Tuy mỗi người một công việc khác nhau, nhưng chúng tôi đều có chung sở thích, đam mê với văn nghệ, nhất là văn nghệ truyền thống của dân tộc. Các tiết mục dân ca, dân vũ của dân tộc được bà con nhiệt tình đón nhận. Để làm phong phú, đa dạng thêm nhiều bài hát, điệu múa, chúng tôi còn nhờ những người cao niên trong bản hướng dẫn thêm các bài hát, điệu múa cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Do đặc thù công việc nhà nông, nên chị em trong đội luôn tranh thủ thời gian rảnh cùng nhau tập luyện để có những tiết mục văn nghệ hay biểu diễn phục vụ người dân địa phương và khách du lịch”.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Điện Biên có khoảng gần 1.500 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, đội văn nghệ quần chúng. Để nâng cao chất lượng nghệ thuật trong các chương trình văn nghệ quần chúng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã thường xuyên chỉ đạo phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn mở lớp tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của các bản; phân công cán bộ chuyên môn xuống cơ sở, hướng dẫn cách dàn dựng chương trình, nâng cao kỹ năng biểu diễn. Nhờ vậy, trong các hội thi gần đây, chất lượng nghệ thuật của các đội văn nghệ được nâng lên rõ rệt, nhiều tiết mục đã khai thác được vốn văn nghệ truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Nhiều đội văn nghệ chủ động mua thêm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ phục vụ việc tập luyện, biểu diễn từ các nguồn xã hội hóa.
Hoạt động của các đội văn nghệ ở cơ sở không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương, mà còn là nơi truyền thụ những nét văn hóa truyền thống, giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ thêm hiểu và yêu văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tạo sân chơi giải trí lành mạnh cho người dân, nhiều địa phương, các hội, đoàn thể thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian. Bên cạnh việc tập luyện biểu diễn những tiết mục văn nghệ hiện đại, các đội văn nghệ còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc. Qua đó, nhiều loại hình văn nghệ dân gian, nghệ thuật truyền thống được bảo tồn, lưu giữ và phát triển.
Đặc biệt, hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch cộng đồng, gắn phong trào văn hóa - văn nghệ với phát kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Du khách đến Ðiện Biên không chỉ tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, mà còn có thể tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc bản địa thông qua các chương trình giao lưu văn nghệ tại các điểm du lịch, các bản văn hóa, cơ sở lưu trú...
Chị Lò Thị Hương, thành viên đội văn nghệ bản Noong Bua, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: Chúng tôi đều là những người say mê ca hát, mong muốn giữ gìn và bảo tồn văn hóa của dân tộc. Tham gia vào đội văn nghệ, ngoài việc biểu diễn vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm hay các buổi họp, sinh hoạt của địa phương, chúng tôi còn biểu diễn phục vụ du khách khi đến thăm quan du lịch. Bằng những bài hát, điệu múa truyền thống, chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá cho du khách về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình; đồng thời, cũng giúp các thành viên có thêm thu nhập, có điều kiện mua thêm trang phục, dụng cụ luyện tập văn nghệ.
Theo ông Phạm Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng đã và đang khẳng định chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm có hàng nghìn buổi biểu diễn và các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ được tổ chức đều đặn từ tỉnh xuống cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân. Sức hấp dẫn của phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định; nhân dân ngày càng ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, để tiếp tục nhân rộng phong trào văn nghệ quần chúng, Điện Biên sẽ tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương; thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích để các câu lạc bộ văn nghệ, đội văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, vừa giúp phong trào văn nghệ quần chúng không ngừng lan tỏa trong cộng đồng dân cư, vừa góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân./.