Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Hà Quảng (Cao Bằng): Bảo tồn các điệu dân ca truyền thống từ xóm, bản

Minh Thu - 20:49, 13/01/2021

Huyện Hà Quảng có 2 dân tộc chủ yếu là Tày, Nùng, với bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo riêng của mỗi dân tộc nên tạo nên những dấu ấn riêng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người dân nơi đây. Những năn gần đây, chất lượng cuộc sống của đồng bào ở các xóm bản đang từng bước được nâng lên, đồng bào có thêm điều kiện để bảo tồn phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, với việc hình thành các đội văn nghệ, hát dân ca cấp xóm bản.

Các Đội dân ca xóm, bản ở Hà Quảng đã và đang góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.
Các đội dân ca xóm, bản ở Hà Quảng đang góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Từ 5 năm qua, cứ vào dịp cuối tuần, bà Hoàng Bích Thu, xóm Đôn Chương, thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng lại tập hợp người dân trong khối sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại Nhà văn hóa. Có những buổi sinh hoạt thu hút trên 20 thanh- thiếu niên tham gia.

Tại các buổi sinh hoạt, bà Hoàng Bích Thu mang những làn điệu dân ca (điệu hát phong sli, phong slư) của dân tộc mình đã sưu tầm được dạy lại cho mọi người. Từ chưa biết hát, chưa thuộc giai điệu, sau hơn một năm theo học, em Hoàng Thị Vân đã thuộc lời và hát được rất nhiều bài hát dân ca Tày.

 Em Vân chia sẻ: “Được sự dìu dắt của các nghệ nhân, những người lớn tuổi, em đã thuộc được rất nhiều bài dân ca của dân tộc. Hát nhiều dần dần em thấy đam mê, thấy yêu và tự hào hơn về những bản sắc văn hóa dân tộc mình. Thỉnh thoảng, chúng em còn được tham gia biểu diễn văn nghệ ở xóm, xã”.

Về thị trấn Xuân Hòa và các xã thuộc huyện Hà Quảng, chúng tôi được chứng kiến không khí tập luyện hăng say của các thành viên hội hát dân ca. Chị Nông Thị Chấp, ở xóm Lũng Vai, xã Cần Yên chia sẻ: “Tham gia sinh hoạt văn nghệ xóm bản vừa là hình thức giải trí sau những giờ lao động, vừa là dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm chăm sóc con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Với giới trẻ, hoạt động văn hóa, văn nghệ giúp các em nâng cao nhận thức các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng”.

Đội thông tin lưu động huyện Hà Quảng biểu diễn văn nghệ tại cơ sở
Đội thông tin lưu động huyện Hà Quảng biểu diễn văn nghệ tại cơ sở

Thực hiện việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, 3 năm qua, huyện Hà Quảng thành lập được 102 đội văn nghệ xóm, tổ dân phố; 1 đội thông tin lưu động cấp huyện, 1 chi hội bảo tồn dân ca huyện và 21 đội văn nghệ xã, thị trấn. Các đội văn nghệ dưới sự dìu dắt của một số nghệ nhân tâm huyết, bước đầu hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều người tham gia. Vào các ngày lễ lớn, những dịp lễ hội, các địa phương cũng đã tạo không gian diễn xướng để các thành viên tham gia làn điệu dân ca mang đậm đà bản sắc dân tộc như: Hát đối đáp giao duyên, sli, lượn then... qua đó, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được phát huy.

Ông Nông Văn Thảo, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hà Quảng cho biết, hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc gặp không ít khó khăn khi không có nhiều người quan tâm, tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống; mặt khác, các hình thức diễn xướng chủ yếu là truyền miệng, trực tiếp, hầu như không có văn bản nên việc truyền dạy còn hạn chế.

 "Trong bối cảnh đó, việc các nghệ nhân, người cao tuổi ở các xóm bản tổ chức các đội văn nghệ xóm bản, đã góp phần nâng cao ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá di sản phi vật thể của đồng bào các DTTS là điều rất đáng trân trọng. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tham mưu cho UBND huyện tiếp tục phục dựng các lễ hội truyền thống, làm cơ sở, không gian để trình diễn các làn điệu dân ca", ông Thảo cho biết.

Lễ hội về nguồn Pác Bó được tổ chức tại huyện Hà Quảng (Cao Bằng) là một dịp để quảng bá, giao lưu văn hóa sôi nổiiăn hóa sôi nổi (Ảnh TL)
Lễ hội về nguồn Pác Bó được tổ chức tại huyện Hà Quảng với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa sôi nổi (Ảnh TL)


Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.