Cái duyên với câu hát
Biết tiếng tăm của Đội văn nghệ này từ lâu, dự định mấy lần đến gặp nhưng lại có chút trắc trở, hôm nay tôi “liều” một chuyến tìm đến họ mà không báo trước. Con đường dẫn đến trung tâm xã Thành Long, Hàm Yên, đang được tiến hành trải nhựa. Đi trên những viên đá màu xanh lởm chởm rồi lại vòng qua những đoạn đường dốc ngoằn nghèo mới tới được nhà ông Tiến.
Ngôi nhà sàn nép mình dưới chân núi, nằm khuất cuối bản làng. Không hẹn mà gặp, đúng lúc cả nhà đang quây quần với những điệu múa của người Cao Lan, khiến tôi thỏa mãn được ước nguyện bấy lâu. Biết nhà báo đến, ông Tiến mừng lắm, vậy là ông say sưa hát và giới thiệu những điệu múa như “Bồ câu xòe cánh”, “Xúc tép”, “Khai tăng”,...với một chất giọng hào sảng đầy hứng khởi.
Từ nhỏ, ông đã được nghe tiếng ru ngọt ngào của người mẹ và nhịp trống sành của người cha, dường như cái chất “nghệ sĩ gia truyền” đã thấm trong ông từ bé. Ông bảo: “Đi xem người ta hát, múa, nhiều lần vậy là tự khắc vào đầu mình thôi. Đến năm 13 tuổi, tôi đã theo các chàng trai sang tận làng bên hát đối sình ca rồi đấy...”. Nói xong, ông liếc nhìn yêu vợ. Bà Yên năm nay ngoài 50, trông vẫn còn khá mặn mà, bà cứ tủm tỉm cười khi biết chồng sắp nhắc lại chuyện xưa. Ông kể, bà Yên ngày còn trẻ đẹp lắm, có nhiều người để ý, theo lên nương, theo ra chợ mà bà không đáp lại vì đã thầm yêu một chàng trai tên Tiến, kém mình ba tuổi nhưng lại hát hay, múa đẹp nhất vùng.
Chưa kịp trao lời ước hẹn, ông Tiến đi bộ đội, câu hát sình ca chung thủy đã trói chặt trái tim bà. Để rồi ngày ông về, cả hai đã nên duyên vợ chồng. Họ có với nhau 5 mặt con và một đàn cháu, thế mà ông Tiến vẫn bảo yêu vợ nhất. “Tất cả là nhờ sình ca, cái duyên cả đấy ...”, ông Tiến đưa ánh mắt sang vợ. Anh Hà, anh Thọ, con trai ông bây giờ mới biết chuyện 14 tuổi là bố đã biết yêu. Họ nói với nhau: “Thế mà bây giờ, mấy đứa cháu có yêu đương trêu ghẹo tý mà bố đã quát, lo học lấy cái chữ đi...”.
Được thừa kế từ cha mình, bộ sách cổ viết về sình ca, ông luôn nâng niu, giữ gìn cẩn thận. Cả nhà ông 4, 5 đời đều là những “nghệ nhân” của làng. Ông Tiến tự hào về điều đó lắm. Lúc còn sống, bố ông vẫn luôn dặn dò, con cháu Cao Lan là phải biết hát, biết múa, hiểu được giá trị văn hóa dân tộc. Câu hát sình ca chứa đựng nhiều điều ý nhị, phải yêu quý nó thì mới nên người được. Cái tâm niệm đó, ông Tiến vẫn luôn nhắc cho con cháu mình.
Ở cái tuổi 50 nhưng tiếng hát của ông vẫn vang, khỏe và dẻo dai đến lạ thường. Ông tâm sự: “Sức sống của tiếng hát là bắt nguồn từ cái tâm chứ không phải là tuổi tác. Thế nhưng người già thì biết hát, còn những đứa trẻ chỉ biết nghe, rồi chỉ bập bõm vài câu. Nhìn thấy thế mà tôi day dứt lắm. Để cả làng hiểu được lòng mình thì con cháu mình phải hiểu đã. Tôi gọi thằng Hà, thằng Viên, cái Sinh và cả mấy đứa cháu nội ngoại đến mà nghe hát...”. Vậy là, chuyện thành lập đội văn nghệ gia đình nó đơn giản như vậy thôi. Ông nhắc lại: “Cái duyên cả đấy, khi đã nặng lòng với câu ca điệu múa thì sao mà làm ngơ được...”.
Sức sống của đội văn nghệ
Biết được cái ý tưởng thành lập đội văn nghệ gia đình, bà Yên nghe mà mừng lắm. Các con, các cháu, đứa ủng hộ đứa không: “Thôi, bây giờ mấy ai nghe nữa mà hát...”. Nhưng cái uy của ông Tiến thì khiến đứa nào cũng phải răm rắp nghe theo. Vậy là, đêm đêm bên bếp lửa, con cháu ông lại tập hát, tập múa. Thấm thoắt, đội văn nghệ cũng sắp bước sang tuổi thứ 6 với bề dày thành tích thật đáng tự hào. Sinh là cô con gái duy nhất của ông Tiến, năm nay tròn 19 tuổi có tài đối đáp những câu sình ca khiến các chàng trai phải nể phục. Sinh nói một cách rành mạch: “Sình ca là lối hát đối đáp (giao duyên) của người Cao Lan. Mỗi câu hát ngân lên theo chất giọng trong trẻo, khi uốn lượn, lúc cao vút nên có sức mạnh lan tỏa và thu hút mọi người làm cho những trái tim xích lại gần nhau hơn. Hát sình ca bao giờ cũng đi kèm với những điệu múa uyển chuyển, sinh động mô phỏng lại cảnh sinh hoạt đời thường của người dân như đi tra lúa (trong múa Khai đèn), đi xúc tép hay đi nương… mỗi cảnh sinh hoạt được tái hiện một cách đầy đủ, có hồn....”. Có lẽ được giao lưu và tiếp xúc nhiều với sân khấu văn nghệ nên cách ăn nói của em rất tự tin.
Cậu em trai Trần Văn Viên biết hát từ khi còn 10 tuổi cũng cứng cỏi không kém chị gái. Viên biểu diễn các điệu múa cùng bố và các anh chị thì ai cũng phải tấm tắc khen.
Thành tích của đội văn nghệ là những tấm bằng khen đỏ thắm được treo ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà sàn. Giải nhất, giải nhì, giải A, giải xuất sắc, giải khá đều được 7 thành viên trong đội văn nghệ “rinh” về cho cả làng, cả bản. Người dân Cao Lan vinh dự và tự hào lắm. Năm 2015, Đội văn nghệ của gia đình ông đã dành giải xuất sắc với tiết mục múa trong trích đoạn “Lễ tơ hồng”, tại Liên hoan Câu lạc bộ Đàn hát dân ca và Gia đình văn nghệ toàn tỉnh. Ông Tiến luôn mong muốn, đội văn nghệ của mình không chỉ hoạt động khi lễ tết mà còn thường xuyên tổ chức biểu diễn ở khắp nơi, thông qua lời hát sình ca góp phần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, đồng thời trở thành nòng cốt để tuyên truyền, phát huy bản sắc văn hoá của người Cao Lan trong sắc màu văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nói về dự định của mình, ông Tiến chia sẻ: “Sắp tới ông sẽ mở một lớp dạy sình ca, dạy múa cho con cháu người Cao Lan. Chỉ cần có “tâm” là sẽ thành công thôi mà”.
Thành tích của đội văn nghệ là những tấm bằng khen đỏ thắm được treo ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà sàn. Giải nhất, giải nhì, giải A, giải xuất sắc, giải khá đều được 7 thành viên trong đội văn nghệ “rinh” về cho cả làng, cả bản. Năm 2015, Đội văn nghệ của gia đình ông Tiến đã dành giải xuất sắc với tiết mục múa trong trích đoạn “Lễ tơ hồng”, tại Liên hoan Câu lạc bộ Đàn hát dân ca và Gia đình văn nghệ toàn tỉnh.
GIANG LAM