Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách dân tộc
Vĩnh Thuận là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng thuộc vùng U Minh Thượng (Kiên Giang). Đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 8% dân số, sống đan xen với người Kinh, tập trung đông nhất xã Vĩnh Bình Bắc, Phong Đông và Tân Thuận. Kinh tế của đồng bào Khmer chủ yếu sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản.
Ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết, xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc (CTDT) và thực hiện chính sách dân tộc (CSDT), các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt thực hiện nghiêm các chủ trương, Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và các văn bản chỉ đạo có liên quan về CTDT, như Nghị quyết TW 7 (khóa IX) của Đảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới; các Chương trình MTQG xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững và gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Theo đó, để thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, căn cứ vào tình tình thực tế ở địa phương, huyện Vĩnh Thuận đã ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa từng phần việc thực hiện cùng với các giải pháp khả thi.
Ví dụ như, hiện nay, huyện đang triển khai Chương trình MTQG 1719, căn cứ vào Kế hoạch thực hiện Chương trình trong năm 2022, 2023, với nguồn vốn được giao, tính từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, là hơn 926 triệu đồng, huyện Vĩnh Thuận đã ưu tiên cho những hạng mục cấp thiết trong vùng đồng bào DTTS, như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 20 hộ, với kinh phí 200 triệu đồng, qua đó giúp các hộ có thêm việc làm, thu nhập; Hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt phân tán cho 35 hộ với số tiền 105 triệu đồng..
Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 05 chùa Nam tông Khmer và có Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, với 07 thành viên. Có 02 câu lạc bộ ca, nhạc dân tộc Khmer thường xuyên hoạt động, phục vụ tại các lễ hội truyền thống của dân tộc. Theo đó, năm 2022, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, huyện đã tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của một số câu lạc bộ ca nhạc và đã thống nhất hỗ trợ một dàn âm thanh, nhạc cụ cho Câu lạc bộ ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Đông, với kinh phí thực hiện 65 triệu đồng.
Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển hơn 334 triệu đồng trong năm 2022, Vĩnh Thuận cũng đã và đang triển khai thực hiện một số công trình, dự án dân sinh, bước đầu đã mang hiệu quả thiết thực cho đồng bào Khmer được thụ hưởng.
Công tác an sinh xã hội trên địa bàn cũng luôn được huyện chú trọng, riêng năm 2023, vào dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc Khmer, huyện đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm, chúc tết và tặng quà cho các chùa Nam tông Khmer và hộ gia đình chính sách, Người có uy tín trên địa bàn huyện, với số tiền gần 93 triệu đồng; Hỗ trợ tiền cho 351 lượt hộ nghèo là người dân tộc Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây, với tổng số tiền gần 117 triệu đồng; Tổ chức họp mặt Tết Chôl Chnăm Thmây và tặng quà cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách là dân tộc Khmer, với số tiền trên 40 triệu đồng
Nâng cao nhận thức tự lực thoát nghèo của người dân
Trong quá trình triển khai các chính sách dân tộc, huyện Vĩnh Thuận quan tâm việc hỗ trợ các mô hình sinh kế, tạo việc làm cho người dân. Đã khuyến khích, hỗ trợ nhiều mô hình, cách làm hay đang giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn các xã, thị trấn thoát nghèo bền vững. Như hỗ trợ nghề đan giỏ lục bình, ở xã Phong Đông; Mô hình trồng rau màu ở ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc..., đang góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt, với mô hình canh tác theo hình thức sản xuất bền vững như tôm - lúa, tôm - cua, đang giúp cho nhiều hộ Khmer có nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đồng đất quê hương Vĩnh Thuận.
Ngoài ra, Vĩnh Thuận còn mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động dân tộc Khmer tại ấp Cái Nhum, xã Phong Đông, góp phần đào tạo nghề, tăng cơ hội có việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn lúc nông nhàn.
Nhằm nâng cao nhận thức, tự lực thoát nghèo, không còn trông chờ ỷ lại nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước của các hộ dân, Vĩnh Thuận chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhờ đó, những năm gần đây, đã có nhiều hộ dân ở vùng đồng bào DTTS Khmer tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn, ở ấp Bình Minh, xã Bình Minh, là hộ cận nghèo được hỗ trợ xây nhà ở. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng sau khi được hỗ trợ làm nhà ở an cư, anh đã làm đơn xin thoát nghèo. "Còn đôi tay, sức khỏe thì phải cố gắng lao động, vươn lên ổn định cuộc sống nếu một khi ai đó có còn suy nghĩ là hộ nghèo để được hưởng hỗ trợ của nhà nước thì mãi vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo", anh Nguyễn Thanh Tuấn bộc bạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức dân tộc đối tượng 03 và 04 cho hơn 60 học viên là lãnh đạo các phòng, ban ngành, công chức cấp huyện, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và cán bộ phục trách CTDT cấp xã tham gia tiếp thu học tập.
Nhìn chung, đến nay tình hình kinh tế, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện ổn định, có chuyển biến tích cực. Tính đến nay, Vĩnh Thuận còn 666 hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo DTTS là 126 hộ chiếm 19%; hầu hết các tuyến giao thông liên xã đã được nhựa hoá, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân trong vùng.
Củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước
Thượng toạ Danh Cảnh, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Vĩnh Thuận ghi nhận: Sự quan tâm của Nhà nước, các cấp lãnh đạo tỉnh và huyện Vĩnh Thuận dành cho đồng bào Khmer, đã tạo nên niềm tin tuyệt đối của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thượng tọa chia sẻ, để chung tay cũng với chính quyền hỗ trợ đồng bào, Hội cũng đã thực hiện tốt công tác Phật sự ở các lĩnh vực; chỉ đạo các chùa tổ chức mở lớp Khmer ngữ từ lớp 1 đến lớp 5 vào dịp hè, thu hút hàng trăm lượt con em đồng bào theo học. Hội cũng đã giới thiệu 7 vị tăng sinh đi học tại các trường giáo lý, thế học trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các chùa tham gia tốt công tác thế sự như, thăm tặng quà cho các phật tử nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, cụ già không nơi nương tựa và các em sinh viên nghèo, hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn và giúp đỡ cho gia đình nghèo trong tang lễ, hỗ trợ gạo, xây nhà đại đoàn kết, tổng số tiền hỗ trợ đến nay là trên 1 tỷ đồng.
Theo ông Danh Tha, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, những năm gần đây, vùng đồng bào Khmer đang ngày càng khởi sắc. Kết quả này, là nhờ vào việc các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã thực sự quan tâm đến làm tốt công tác dân tộc, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả CSDT. Đặc biệt, các cấp lãnh đạo rất chú trọng lắng nghe và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong đời sống của đồng bào. Qua đó, đồng bào các DTTS luôn tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động.