Chú trọng hệ thống giáo dục
Tỉnh Kiên Giang nằm thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, có tổng cộng 49 xã thuộc vùng DTTS, với tỷ lệ DTTS chiếm 14,94%, trong đó dân tộc Khmer chiếm 13,19% dân số tỉnh, đông đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL.
Đồng bào DTTS ở Kiên Giang chủ yếu sinh sống ở nông thôn, các vùng sâu, xa, và các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, như biên giới và hải đảo. Đây là địa bàn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Do đó, chính quyền tỉnh đã luôn quan tâm và triển khai các chính sách để phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS.
Điển hình nhất là nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2025”, tỉnh đã triển khai tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, với những giải pháp cụ thể nhằm phát triển giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu trong tình hình mới.
Cụ thể, hệ thống giáo dục đào tạo được đầu tư và phát triển, với 6 trường phổ thông dân tộc nội trú và một trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, chất lượng giáo dục tại vùng DTTS đã được nâng cao đáng kể. Môi trường học tập được đầu tư, và chính sách hỗ trợ học tập, miễn giảm học phí cho học sinh DTTS được thực hiện đúng quy định. Tỷ lệ huy động học sinh DTTS từ 6-14 tuổi đến trường đạt trên 90% mỗi năm.
Từ các dự án, chính sách dân tộc đầu tư, hệ thống trường và lớp học ở vùng DTTS tiếp tục được nâng cấp, trang bị thiết bị giáo dục cần thiết để đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập. Kết quả thi tốt nghiệp của học sinh DTTS hàng năm, đều đạt kết quả tốt ở cả 3 cấp học phổ thông, từ tiểu học đến trung học phổ thông.
Việc dạy và học chữ Khmer đã nhận được sự quan tâm từ các cấp quản lý và cộng đồng dân tộc Khmer. Hiện có 43 điểm trường dạy song ngữ với 223 lớp, hơn 5.900 học sinh dân tộc Khmer tham gia.
Ngoài ra, có 31 chùa dạy chữ Khmer vào dịp hè, với 297 lớp và hơn 7.000 học sinh dân tộc Khmer tham gia mỗi năm. Tỉnh Kiên Giang cũng hỗ trợ ngân sách để mua sách Khmer ngữ và đảm bảo việc dạy chữ Khmer trong dịp hè.
Ông Danh Phúc, Tỉnh uỷ viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, để đảm bảo giáo viên có đủ chất lượng và khả năng dạy tiếng DTTS, tỉnh Kiên Giang đã triển khai kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng Khmer. Các trường đại học được kết hợp để đào tạo giáo viên đạt chuẩn trình độ theo quy định và đào tạo giáo viên tiếng DTTS theo các phương thức phù hợp.
Điều này, cũng bao gồm việc bố trí đủ biên chế để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy tiếng Khmer và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng DTTS về các phương pháp đổi mới trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, và nâng cao năng lực.
Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ DTTS từ cơ sở
Trước yêu cầu đổi mới và thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội ở các địa phương, để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề ra trong vùng đồng bào DTTS, tỉnh Kiên Giang xác định cần có đội ngũ cán bộ “thuộc bài” về chính sách dân tộc và công tác dân tộc, mà tốt nhất là cán bộ người DTTS.
Từ nhận định này, thời gian qua tỉnh Kiên Giang cũng quan tâm, qui hoạch cán bộ người DTTS. Mỗi năm, tỉnh cử hàng trăm học sinh người dân tộc vào các trường đại học, đảm bảo có đủ nguồn nhân lực có trình độ và năng lực phục vụ cộng đồng dân tộc, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang đã tích cực triển khai các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Điều này bao gồm, việc đầu tư phát triển hệ thống giáo dục vùng DTTS, kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia, và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Nhờ các nỗ lực này, tỉnh đã đạt được kết quả tốt trong việc phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS.
Khẳng định, nguồn nhân lực là tài sản lớn nhất và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của địa phương, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang chia sẻ, trong nửa nhiệm kỳ qua, nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS trong tương lai, tỉnh Kiên Giang đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực của các DTTS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Điều này, nhằm thu hẹp khoảng cách về trình độ chung giữa tỉnh và cả nước, xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân, và cán bộ người DTTS có chất lượng. Đặc biệt, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, có khả năng hội nhập quốc tế cho học sinh DTTS.
Theo Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS là một quá trình lâu dài, có nhiều khó khăn cần có giải pháp phù hợp cho từng địa phương. Song, đây là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu cần tập trung thực hiện, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho vùng đồng bào DTTS phát triển một cách bền vững.
"Để làm được điều đó, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp, với sự nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành, nhất là sự phấn đấu tự vươn lên của đồng bào các DTTS, tự bản thân nhìn thấy được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, đối với đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh và vùng đồng bào DTTS”, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang khẳng định.