Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, những năm qua, công tác tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh và các tầng lớp Nhân dân về nghề nghiệp.
Tính đến tháng 12/2022, có khoảng 80% trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh xây dựng các nội dung giáo dục hướng nghiệp gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã bố trí giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp; số học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm khoảng từ 3.700 - 4.300 học sinh, trong đó số học sinh vào học trình độ đại học chiếm khoảng trên 50%, học sinh tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng với tỷ lệ trên 15%.
Tuy nhiên, chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học chưa cao; chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với công ty, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ học sinh có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp ra trường. Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề tuy tăng qua các năm nhưng vẫn đạt thấp so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI đề ra.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” gắn với phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu nâng tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT năm 2023 chuyển sang học nghề tỷ lệ lên 25%, năm 2024 đạt 35%, năm 2025 đạt 40%.
Về phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp mở lớp hệ giáo dục thường xuyên cấp THCS tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên cấp huyện; tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hệ Giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các huyện.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT; chủ động soát các chỉ tiêu đề ra, trên cơ sở đó, tiếp tục đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh vào chủ trương, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương. Quyết tâm thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, đó là “Làm tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng đào tạo từ bậc THCS, phấn đấu nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS,THPT chuyển sang học nghề lên 40%".