Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hành trình theo chân Bác

Lê Na - 23:51, 29/04/2022

Chuyến đi thực tế vào tháng 4 lần này, tôi không xuất phát từ xứ Tuyên, mà theo con đường ngày xưa Bác đã đi. Đó là từ đầu nguồn Pác Bó, Cao Bằng về với Tân Trào, Tuyên Quang.

Chuyến đi thực tế sáng tác tại Cao Bằng do Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam tổ chức
Chuyến đi thực tế sáng tác tại Cao Bằng do Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam tổ chức

Non nước Cao Bằng, đầu hè bừng nắng mới, suối Lê Nin trong biếc, như hôm nào Người đã về đây. Nguồn nước vô tận, không ngừng nghỉ, quanh năm tuôn chảy từ gốc núi. Mưa đầu hạ, chưa đủ cho mặt nước suối dâng cao. Những cây vối lòa xòa bên bờ, trổ lá tươi non. Chúng tôi nối nhau bước lên hang đá lạnh. Lần nào tới đây, những cảm xúc về vị lãnh tụ kính yêu cũng dâng lên nghèn nghẹn. Đã qua tám mươi năm, núi Mác vẫn uy nghi giữa trời biên ải. Còn đây, nền đất của nhà người Dao, Lý Quốc Súng, từng nương che bóng Bác. Còn đây, bàn đá chông chênh. Những bậc đá nhẵn lì bởi bước người qua lại. Lịch sử đã khắc ghi năm tháng gian khó của người chiến sỹ cách mạng kiên trung tại đây.

Cột mốc số 0, con đường Hồ Chí Minh xuất phát từ đây, bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Rời xa Pắc Bó, chúng tôi mỗi người một tâm trạng. Nhưng chung nhất, ai cũng tỏ lòng thành kính, biết ơn nơi đã ghi dấu khởi nguồn cách mạng Việt Nam.

Quộc lộ 279, đã đưa tôi đến nhiều miền đất mới. Suốt dọc dài biên giới phía Bắc, con đường chiến lược, huyết mạch cho người miền núi trong phát triển kinh tế, văn hóa. Đôi chân vạn dặm của Bác từng băng rừng, lội suối, xuyên cắt mọi nẻo, giữa núi rừng, sông suối nơi đây.

Trải nghiệm hồ Ba Bể với đồng bào DTTS (ảnh minh hoạ).
Trải nghiệm hồ Ba Bể với đồng bào DTTS (ảnh minh hoạ).

Ngồi trên xe máy, tôi theo con đường lớn, hầu hết được trải nhựa êm đềm. Xuôi về hồ Ba Bể, tôi  dừng lại ở Bản Hon, thăm một gia đình người bạn văn. Đó là quê hương nhà thơ dân tộc Tày, Dương Khau Luông. Bên cạnh ngôi nhà sàn cũ (chắc gia đình muốn giữ làm kỷ niệm) mọc lên một ngôi nhà đất, gọn gàng xinh xắn, đủ chỗ cho hai ông bà già, bố mẹ và cô em gái út của nhà thơ.

Bất ngờ, tôi gặp tấm bia đá, ở đầu thôn ghi: “Di tích lịch sử Cốc Lùng"  thuộc thôn Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn”. Nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ và nói chuyện với Nhân dân địa phương trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 13/5/1945. 

Bản Hon hôm nay mướt xanh thung lũng lúa. Tôi gặp người ra nương chăm sóc cây lâm nghiệp, người xuống ruộng phát cỏ bờ cho vụ lúa mới. Ruộng đồng ngan ngát non xanh hòa với tiếng nói cười.

Đường tỉnh từ Chợ Đồn xuôi về Định Hóa được hoàn thành hơn chục năm trước. Vẫn những bản làng người Tày, người Dao, người Nùng líu díu bên nhau, nay đã từng bừng sáng tường xây, ngói mới. Những thị trấn, thị tứ rộn rực sắc màu đô thị. Bộ mặt nông thôn mới đang thay da, đổi thịt. Lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả trải dài các thung lũng, triền đồi, chân núi.

Thượng nguồn của sông Phó Đáy. Con sông khởi nguồn từ đỉnh núi Tam Tạo, huyện Chợ Đồn. Đó là ngọn núi cao 1291 mét so với mực nước biển. Là ngọn núi có đỉnh cao nhất so với 19 ngọn núi địa phương này. Lòng sông Phó Đáy thu nạp, nhận về mình bao nguồn nước, êm trôi, lượn qua bao xóm bản, ruộng lúa, nương ngô, mang theo văn hóa của người Tày, Nùng, Dao, Mông về xuôi.

Gặp sông, lòng ngỡ như gặp lại người quen thân đã lâu lắm rồi. Mấy mươi năm chỉ biết khúc sông này từ khi nó chảy vào đất Tuyên Quang rồi qua địa phận Vĩnh Phúc. Hôm nay, từ ngọn nguồn này, bỗng tràn ngập cảm xúc. Tôi dừng xe, lội xuống lòng sông. Tay khỏa nước, vớt lên con sóng gột rửa một dặm dài. Lòng tự nhủ, nếu con sông Lô là cha, thì dòng Phó Đáy là mẹ. Nó gắn liền cả một hành trình xuôi ngược cuộc đời.

Đoạn đường từ xã Bình Trung huyện Chợ Đồn sang đến đất Tuyên Quang còn chừng hơn chục km. Đây thực sự là một thử thách với tôi. Sau mưa, đường rừng lầy thụt, đèo dốc, trơn trượt. Nhiều đoạn phải bò số một, con xe máy gầm gừ, cứ muốn quay ngang. Có lúc phải vượt suối, ngập đến nửa bánh xe máy. Chính lúc này, tôi lại nhớ đến bài Cảnh rừng Việt Bắc. Bài thơ được Bác Hồ viết ở chính vùng đất, cách đây một giờ đi bộ. Tự nhiên, tôi như được tiếp thêm sức mạnh.

Bảy mươi bảy năm trước, vào tháng Năm, năm 1945, xã Trung Minh được đón bước chân đầu tiên của Bác Hồ, khi Người từ Pác Bó Cao Bằng trở về Tân Trào. Mảnh đất ghi dấu ấn đó là Vằng Ngược, nơi sông Phó Đáy chảy vào Tuyên Quang. Vằng Ngược là bản của người Dao, Mông, Tày… có 64 hộ, hơn hai trăm khẩu sinh sống. Mái ngói nâu, trầm ấm bên màu xanh cây rừng che phủ. Trưởng thôn Bàn Văn Hoàn, 38 tuổi, dân tộc Dao cho biết, kinh tế của bà con chủ yếu trồng cây lâm nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi trâu, bò, dê và gia cầm cũng là một thế mạnh của thôn.

Trung Minh là xã xa nhất và cũng là xã đặc biệt khó khăn nhất của huyện Yên Sơn. Hơn chục năm qua, con đường Hồ Chí Minh đi xuyên qua xã được hoàn thành đã tạo cho giao thông thuận lợi. Tôi có may mắn đươc biết Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Lý Thị Thu Hằng, người Dao Ô Gang. Chị là người vốn được sinh ra và trưởng thành tại xã. Mười năm trước, Hằng làm chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Mười sáu năm công tác, người cán bộ nhiệt tình, hòa đồng và năng động đã có nhiều kinh nghiệm trong vận động bà con phát triển sản xuất, từ bỏ những thói cũ lạc hậu, tự ti, chậm đổi mới. Mấy hôm nay, chị cùng đoàn công tác, đến từng bản vận động bà con không theo kẻ xấu tuyên truyền lôi kéo một số hộ người Mông theo tà đạo, ngưng trệ sản xuất.

Tranh thủ gặp, Phó bí thư Đảng ủy xã cho biết, năm 2021, tổng sản lượng lương thực của xã đạt hơn một ngàn năm trăm tấn. Trung Minh có nhiều đồi núi cao, độ dốc lớn, rất thích hợp cho các loại keo, mỡ, lát. Năm ngoái xã đã trồng mới 154,2 ha rừng. Nơi đây cũng có hai khu rừng nghiến, gần mười ha và khu rừng già Khuổi Bốc được chính quyền và bà con bảo vệ nghiêm.

 Để bảo vệ rừng, xã đã chỉ đạo và xử lý nghiêm những hành vi phá rừng, đốt nương gây cháy rừng, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Tiến hành, đo đạc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho bà con. Năm 2021, toàn xã đã khai thác trên một trăm ha rừng trồng, với sản lượng đạt 15.584 mét khối gỗ. Trước đây, ruộng một vụ, vào mùa đông, đất thường bỏ hoang. Nay cây rau màu đã được bà con trồng trên đất vụ đông được 51 ha. Từ lâm, nông nghiệp, số hộ nghèo đã giảm từ 16,6% xuống còn 9.2 %.

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Phúc Sơn phát triển vùng lạc hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh TQĐT
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Phúc Sơn phát triển vùng lạc hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh TQĐT

Dọc theo con đường tỉnh lộ, từ Bản Pài, qua Nà Khẻ, Khuổi Bốc về Bản Pình, Khuôn Nà, Vằng On đâu đâu cũng tràn ngập màu xanh. Những biếc xanh của sông, suối, đồi núi, ruộng nương như níu kéo du khách. Tháng tư, chim rừng vào mùa sinh sản. Cây lá trổ hoa khắp các triền núi, góc rừng. Phó Đáy xanh như dải lụa, mềm mại, buông trôi giữa rừng núi, làng bản.

Tôi lại men theo Phó Đáy xuôi về Tân Trào. Nương ngô, thung lũng lúa rợp xanh bên dòng sông bằng lặng. Sông như dòng chảy của lụa là, gấm vóc. Sông trôi cùng nhịp điệu của lời then, tiếng đàn tính. Sông mang đi câu páo dung nồng nàn lửa đốt. Con đường nhựa song hành đưa tôi trở về nhà mình. Nó quen thuộc như anh em, người thân trong gia đình. Tân Trào tháng tư tràn nắng gió. Nắng thơm trên rặng duối vừa kết trái. Nắng tỏa hương khăp vườn hoa nhà ai mới nở đón mời du khách. Nắng phủ nhẹ nên nương chè ở Khuôn Pén, ở Vĩnh Tân. Nắng chín đỏ vụ quả mới vườn thanh long Hang Bòng. Tân Trào đã vươn lên đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới tiêu biểu. Nhiều hạng mục di tích lịch sử đã được xây dựng, tôn tạo mở cửa đón du khách.

Theo từng bậc đá, căn lán nhỏ hiện ra sau khóm nứa, rừng cây. Nà Lừa, căn nhà sàn bé xinh, như con thuyền nhỏ mà Bác Hồ đã chèo, chống vượt qua mọi thác ghềnh làm nên một Việt Nam độc lập. Giữa tháng tư, hoa phách đã nở hồng. Ve núi đang kết bè, gọi nhau hát vang khắp rừng Tân Lập. Xin được kính cẩn nghiêng mình bày tỏ tấm lòng con cũng như đồng bào Việt Bắc với vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.