Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hàng trăm hộ dân ở Con Cuông bị ảnh hưởng vì thủy điện - Bao giờ được bồi thường?

Việt Thắng – Khánh An - 17:29, 03/02/2023

Đánh giá không đúng mức độ ảnh hưởng sau khi tích nước đã khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Con Cuông (Nghệ An) bị mất đất, nhà ngập. Bà con đi đòi nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Một căn nhà của một gia đình ở bản Liên Hồng, xã Cam Lâm bị nước lòng hồ thủy điện Chi Khê bao vây
Căn nhà của một gia đình ở bản Liên Hồng, xã Cam Lâm bị nước lòng hồ thủy điện Chi Khê bao vây

Thủy điện về, dân phải “chạy”

Cách đây hàng chục năm, gia đình anh Viềng Văn Tiễn ở bản Liên Hồng, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, cất được căn nhà tương đối kiên cố, cách sông Lam khá xa. Anh Tiễn chưa bao giờ nghĩ nhà mình lại có ngày ngập trong nước thế này. Thế nhưng, sau khi thủy điện Chi Khê tích nước lên cao trình 38 m, thì nhà anh đúng là đã bị ngập nước. Để đối phó với cảnh ngập nước, năm 2021, vợ chồng anh Tiễn đã bỏ chi phí, thuê người di dời ngôi nhà lên vị trí khác cao hơn, cách xa nền cũ chừng 30 +m. Thế mà đến nay, kinh phí thuê thợ di dời vẫn chưa được phía thủy điện bồi thường.

Khốn khổ hơn anh Tiễn, căn nhà sàn của bà Ngân Thị Thuyên đang có nguy cơ bị lòng hồ nuốt chửng vì nước đã dâng quá cao. Bà Chuyên cho biết: ”Trước đây mực nước ở phía ngoài xa, cách cả trăm mét chứ không phải lên cao như giờ đâu. Nhà bị ngập thế, nhưng do chưa được đền bù nên tôi vẫn phải chấp nhận sống trong nguy hiểm như thế này”.

Đại diện UBND xã Cam Lâm cho biết, hiện có 8 hộ dân có nhà ở sát mé nước lòng hồ thủy điện Chi Khê đang bị sạt lở, có nguy cơ gây mất an toàn. Trong đó có 4 hộ đã bị nước thủy điện “đuổi”, không thể ở được phải tự di dời nhà cửa đến vị trí khác.

Nước lòng hồ thủy điện Chi Khê đã ăn sâu vào chục mét sau khi tích cao trình 38 m
Nước lòng hồ thủy điện Chi Khê đã ăn sâu vào chục mét sau khi tích cao trình 38 m

Ngoài ra, từ khi Thủy điện Chi Khê tích nước lên cao trình 38 m vào năm 2019, đã có 84 hộ dân bị mất nhiều diện tích đất nông nghiệp do bị nước nhấn chìm. Ông Lô Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Cam Lâm đã hết sức nóng ruột. Đích thân ông dẫn chúng tôi ra tận thực địa: “Trước đây, cánh đồng trồng màu này ở tận ngoài kia, cách hàng chục mét, nay đã bị nước nhấn chìm. Tuy nhiên, chủ đầu tư thủy điện chỉ mới bồi thường một phần diện tích ở phía ngoài. Bố mẹ tôi cũng có 2 sào đất được chia theo Nghị định 64 năm 1993 ở cánh đồng này cũng đã bị biến mất, nhưng chưa được kiểm đếm, bồi thường”.

Ở phía đối diện bên kia sông Lam, hàng trăm hộ dân của xã Châu Khê cũng bị lâm vào cảnh tương tự. 121 lá đơn của người dân phản ánh lên xã, rằng đất của họ nằm ngoài mốc chỉ giới cao trình 38 m nhưng vẫn bị ngập. Trong số đó có 63 hộ đã được kiểm tra, đo đạc từ tháng 8/2019 nhưng chưa ai nói với họ về việc bồi thường. Còn 58 hộ nữa thì vẫn chưa ai “thăm hỏi” một lời nào.

Đặc biệt, có đến 20 hộ dân có hiện tượng sụt lún, nứt nẻ tường, nền nhà và các công trình khác.

Ở xã Lạng Khê, chính quyền địa phương cũng nhận được 123 lá đơn của người dân, đề nghị kiểm tra phần sạt lở, ngập nước

Nhà bà Ngân Thị Chuyên (bản Liên Hồng, xã Cam Lâm) có nguy cơ bị đổ sập vì đang nằm sát bên mép nước
Nhà bà Ngân Thị Chuyên (bản Liên Hồng, xã Cam Lâm) có nguy cơ bị đổ sập vì đang nằm sát bên mép nước

Vẫn chưa được bồi thường

Được khởi công từ năm 2013, Nhà máy thủy điện Chi Khê có công suất 2 tổ máy 40 MW, cao trình đập nước được thiết kế 38 m.

Năm 2017, khi thủy điện tích thử, nước mới chỉ đến cao trình 36,5 m đã gây ngập hơn 100 ha đất của người dân nằm ngoài quy hoạch lòng hồ. UBND huyện Con Cuông đã phải cấp tốc phát văn bản yêu cầu thủy điện ngừng tích nước để bảo đảm tính mạng và tài sản của Nhân dân, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải điều chỉnh quy hoạch. Sau đó, chủ đầu tư Thủy điện Chi Khê là Công ty CP Năng lượng Agrita - Nghệ Tĩnh có văn bản cam kết sẽ thực hiện đo vẽ lại tổng thể diện tích toàn bộ khu vực lòng hồ để xác định chỉ giới thu hồi, diện tích bị ngập của từng hộ gia đình theo đúng hiện trạng và lập hồ sơ đền bù bổ sung cho người dân. Chủ đầu tư này cũng hứa sẽ “đền bù thỏa đáng cho người dân nếu hộ gia đình nào bị sạt lở do thủy điện tích nước gây ảnh hưởng đến đất đai và tài sản”.

Thế nhưng, sau lời hứa đó và sau nhiều lần người dân và chính quyền yêu cầu, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Chi Khê vẫn cứ “lặng như tờ”.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Cong Cuông - ông Hoàng Sỹ Kiện, cho rằng do chủ đầu tư đánh giá không chính xác mức độ ảnh hưởng của thủy điện đến diện tích đất ở và đất nông nghiệp nên dẫn đến những hệ lụy trên. Mới đây, chúng tôi tiếp tục đề nghị chủ đầu tư Thủy điện Chi Khê, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương phê duyệt diện tích phát sinh ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng sau khi tích nước lên cao trình 38m, để thực hiện bồi thường bổ sung cho người dân.

Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư Thủy điện Chi Khê cho biết: Dự kiến kinh phí giải phóng mặt bằng ban đầu chỉ là 40 tỷ đồng, nhưng đến nay đã tăng lên 300 tỷ mà vẫn chưa xong. Còn về việc nhiều nhà dân cho biết ban đầu dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng chỉ tốn khoảng 40 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay đã tăng lên hơn 300 tỷ đồng nhưng vẫn chưa xong. Về việc nhiều nhà dân nằm ngoài chỉ mốc 38 m vẫn bị ảnh hưởng, phải tự di dời, thì đại diện chủ đầu tư lại cho rằng: “Chưa nhận được kiến nghị và sẽ cho kiểm tra lại”.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.