Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hàng trăm ha chuối xuất khẩu ở Lào Cai chết lụi, thiệt hại nặng nề

PV - 10:44, 04/04/2021

Bà con nông dân ở thủ phủ chuối Bản Lầu của huyện biên giới Mường Khương (Lào Cai) đang lao đao vì bệnh vàng lá, làm chết lụi hơn 250 ha chuối xuất khẩu. Đây là cây trồng được coi là cây chủ lực xóa nghèo, làm giàu cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông tại địa phương.

Người dân thôn Na Lốc đốt bỏ chuối bị bệnh vàng lá.
Người dân thôn Na Lốc đốt bỏ chuối bị bệnh vàng lá.

Chúng tôi có mặt ở thôn Na Lốc, chứng kiến khung cảnh “hoang tàn” của nơi vốn được coi là thủ phủ chuối xuất khẩu của xã biên giới Bản Lầu, huyện Mường Khương, những đồi chuối vàng úa lá, thắt ngọn không ra nổi buồng quả, đứng chết khô, rũ gục trong cỏ rậm, do bị bỏ hoang không chăm sóc.

Liên tiếp ở các thôn Na Lốc 1,2,3,4 là hàng trăm ha chuối xuất khẩu đang vào mùa trổ buồng thì bị chết khô vì bệnh vàng lá, không cho thu hoạch. Cả một vùng đồi núi mênh mông... Vào cữ này năm trước, chuối ken dày, xanh mướt, san sát buồng quả trên những sườn núi, còn bây giờ héo khô, buồng quả chun lại, quắt queo, không thành hình quả bình thường. Theo tính toán của xã Bản Lầu, bà con ở đây đã mất trắng hàng nghìn tấn chuối quả, trị giá hàng chục tỷ đồng. 

Những mầm chuối non cũng bị bệnh vàng lá gây hại.
Những mầm chuối non cũng bị bệnh vàng lá gây hại.

Dừng tay phát dọn những thân chuối bị đốn gục và đốt cháy nham nhở để chuyển đất sang trồng ngô xuân hè, cố vớt vát bù lại phần nào tiền giống, phân bón và công thuê làm cỏ cho chuối đã bị đổ xuống sông xuống bể, bà Giàng Thị Chá than thở: “Hơn 5.000 gốc chuối chết rũ, không thu được một đồng nào, bây giờ nhà mình phải bỏ công chặt bỏ cho nó khô và đốt đi để trồng ngô, có cái mà thu để chăn nuôi con gà, con lợn có tiền để trả nợ ngân hàng 100 triệu đồng vay để trồng chuối”.

Bà Chá cho biết, năm trước, cũng với nương chuối này, mùa thu hoạch, gia đình bà bán cho thương lái Trung Quốc đến mua tận nương, thu về khoảng 200 triệu đồng. Còn năm nay, bắt đầu từ cuối năm ngoái, cây chuối bắt đầu vào độ sinh trưởng tạo lá và bắp quả thì bị nhiễm bệnh vàng lá. Đến giai đoạn ra buồng làm quả thì lá chuối vàng ệch, khô dần, cây chuối kiệt sức, không trổ nổi buồng, hoa chuối chết nghẹn ở trong thân cây chết đứng; lác đác có cây trổ được buồng thì quả chun lại, bé như ngón tay, không lớn nổi. 

Những mầm chuối non cũng bị bệnh vàng lá gây hại.
Những mầm chuối non cũng bị bệnh vàng lá gây hại.

Chúng tôi bám theo con đường nhỏ vắt ngang lưng núi, đi dọc các thôn Na Lốc 1,2,3,4 và Cốc Phương, ra tận sát biên giới đều bắt gặp những nương chuối vàng ệch hoặc chết khô đứng lẫn trong cỏ dại um tùm. Chuối không ra nổi buồng hoặc chết khô nên bà con bỏ mặc, một số hộ thì chặt bỏ, đốt sạch nương, hy vọng diệt được mầm bệnh, sau đó trồng ngô đã lên cao hơn gang tay.

Theo thống kê của UBND xã Bản Lầu, có khoảng 250 ha chuối bị nhiễm bệnh vàng lá Panama (FOC), do nấm Fusarium oxysporum f. sp. Cubense chủng 4 nhiệt đới (TR4) gây ra. Nấm FOC có thể lây nhiễm và gây hại ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào của cây chuối. Cây chuối bị bệnh vàng lá Panama có biểu hiện ban đầu là các mép lá bị vàng, sau lan hướng vào gân lá. Trên cây, các lá già bị nhiễm vàng trước, lá non vàng sau gây ra hiện tượng lá chuối bị héo vàng. Cây bệnh chết nhưng thân không ngã đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc, các chồi con xung quanh vẫn phát triển nhưng sau đó cũng bị vàng héo. Nấm bệnh vàng lá Panama mẫn cảm nhất ở giai đoạn cây chuối sinh trưởng khỏe và chuẩn bị trổ hoa. Cây bị bệnh muộn có thể vẫn cho buồng quả nhưng quả chun lại, nhỏ bé, không có giá trị thương phẩm.

Theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, nấm gây bệnh vàng lá Panama lưu tồn trong đất và các cây bệnh. Nó có thể sống hoại sinh trong củ chuối và các bộ phận khác một thời gian dài, lây lan chủ yếu qua cây chuối con và đất có mang mầm bệnh. Nấm FOC xâm nhập chủ yếu qua chóp rễ hoặc các vết thương ở rễ. Sau khi xâm nhập, nấm sẽ phát triển trong bó mạch làm cho cây bị vàng héo và chết. Hiện, chưa có thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ đặc hiệu bệnh vàng lá Panama.

Chuyển sang trồng ngô để hạn chế thiệt hại.
Chuyển sang trồng ngô để hạn chế thiệt hại.

Toàn huyện Mường Khương hiện có hơn 2.000 ha chuối, riêng xã Bản Lầu có hơn 800 ha chuối xuất khẩu; đem về hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập cho hàng nghìn hộ nông dân, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Dao, Nùng, Giáy… ở địa bàn vùng cao, biên giới.

Để phòng ngừa bệnh vàng lá Panama, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mường Khương khuyến cáo người dân không chuyển chuối từ vùng có dịch bệnh sang vùng không có dịch bệnh. Không sử dụng cây giống tách chồi từ các vườn chuối nhiễm bệnh vàng lá Panama. Tiêu hủy toàn bộ số cây bị nhiễm vàng lá Panama, bao gồm thân, lá, củ chuối và các tàn dư thực vật trong vườn. Các vùng mới phát triển trồng chuối cần dùng cây giống sạch bệnh (cây nuôi cấy mô). Đối với xã Bản Lầu, vùng bị nhiễm bệnh vàng lá nặng nhất, chính quyền địa phương vận động Nhân dân chuyển sang trồng chè, dứa và cây ăn quả như xoài, cam; trước mắt tiến hành phát dọn, đốt bỏ diện tích chuối bị nhiễm bệnh để tiến hành trồng ngay ngô vụ xuân hè.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.