Những chuyển biến tích cực
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo đó, đã có hàng ngàn tin, bài viết, phóng sự được đăng tải trên gần 20 đầu báo, truyền hình Trung ương và Hà Nội, trên mạng xã hội Facebook… Hàng nghìn banner được treo dọc trên các tuyến phố, quảng cáo banner trên thành xe buýt các tuyến trung tâm Hà Nội, tổ chức hoạt náo tại điểm diễn ra mitting, in phát hơn trên 30.000 tờ rơi quảng bá…
Phần lớn các nội dung tuyên truyền, tập trung vào các quy định chính sách, pháp luật về thông tin hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng; thông tin những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật nói chung, vi phạm quyền và lợi ích của người tiêu dùng nói riêng, bảo vệ môi trường kinh doanh, giao dịch trong xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội…
Đáng chú ý, không chỉ tăng cường tuyên truyền phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…, nhiều sở, ban ngành, địa phương của Hà Nội, còn triển khai các hoạt động như: Hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam”; “Tuần lễ tri ân người tiêu dùng”, “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng”; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiến nghị phản ánh của Nhân dân để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tại cơ sở, hoạt động này cũng diễn ra sôi nổi, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, hội nghị, hội thảo… Phó Bí thư Huyện đoàn Thạch Thất-Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: Hưởng ứng công tác tuyên truyền PBGDPL bảo vệ người tiêu dùng, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo các chủ đề, chủ điểm của từng tháng cho lực lượng thanh niên trong toàn huyện.
Nhờ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của đại bộ phận thanh-thiếu niên. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, đoàn viên, thanh niên được trang bị các kiến thức về pháp luật và tự bảo vệ mình. Hiện, Thạch Thất có 25 CLB, mô hình hoạt động tư vấn, hỗ trợ, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật với các tên gọi như: CLB Pháp luật trẻ, CLB Bạn giúp bạn; CLB Tuyên truyền và phổ biến pháp luật; Câu lạc bộ tiền hôn nhân... Thông qua các CLB này, các thành viên CLB đã trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, thanh niên và quần chúng Nhân dân rất hiệu quả, thiết thực…
Không chỉ ở Thạch Thất, nhiều địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS của Thủ đô Hà Nội, cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL bảo vệ người tiêu dùng. Tại huyện Mỹ Đức đã lồng ghép tổ chức giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đến 55 cơ sở đảng và chi bộ trực thuộc Huyện ủy, với tổng số gần 2.000 lượt người. Huyện Gia Lâm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam với nội dung phong phú, đa dạng và tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất rau, quả an toàn...
Sự lựa chọn thông thái của người tiêu dùng
Với các hoạt động thiết thực nêu trên, người tiêu dùng đã từng bước tự nhận biết, cảnh giác cao đối với các sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, các sản phẩm không minh bạch về nguồn gốc. Các doanh nghiệp cũng đã quan tâm, nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp để có nhiều hoạt động, biện pháp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trên thị trường, bên cạnh các sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, an toàn thì vẫn còn tồn tại các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, vi phạm về sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng, có tâm lý dễ chấp nhận sử dụng hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, hàng giả do giá rẻ, phù hợp với nhu cầu, sở thích cá nhân; hoặc do thiếu thông tin cần thiết để phân biệt sản phẩm hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm.
Thậm chí một bộ phận người tiêu dùng vì tâm lý e ngại sẽ gặp những khó khăn về thủ tục hoặc thấy lợi ích hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền, lợi ích nhỏ hơn lợi ích có được khi khiếu nại, tố cáo mà không lên tiếng, thông tin phản ánh đến cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc cơ quan báo chí để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình…
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với các hình thức mua bán trực tuyến thông qua các Website thương mại điện tử, các mạng xã hội như: Facebook, Zalo… nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới đã xuất hiện. Trong khi đó, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa rõ ràng; hoặc không còn phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên mạng. Nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại.
"Ở thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ bằng các công văn, chỉ thị, các buổi lễ phát động hoành tráng; mà phải bằng những việc làm thiết thực; phải ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống dữ liệu tổng hợp (Big data) đánh giá nhận xét, và đề ra những giải pháp cho phù hợp với từng sự việc, hiện tượng đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra trên thị trường", ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, vai trò của người tiêu dùng là hết sức quan trọng. Người tiêu dùng cần phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; hàng hóa phải niêm yết giá cả rõ ràng; lưu giữ hóa đơn, chứng từ để khi xảy ra trường hợp sản phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; hoặc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, thì có thể phản ánh và đưa đầy đủ chứng cứ đến các cơ quan quản lý nhà nước để xem xét, xử lý.