Với sự bùng nổ của Internet, việc mua sắm trên mạng đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Mua sắm Online không chỉ mang đến sự tiện lợi, mà còn giúp người tiêu dùng mua sắm hàng hóa ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Theo số liệu báo cáo trên Bảng xếp hạng các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu tại Việt Nam (Bản đồ TMĐT Việt Nam) do Trang tổng hợp số lượng mua sắm trực tuyến trên mạng (iPrice insights) cho thấy, trong quý I/2020, đã có hơn 80 triệu lượt truy cập các trang Website mua hàng mỗi tháng. Con số này tiếp tục tăng lên hơn 90 triệu lượt trong tháng 4/2020.
Trong chuỗi cung ứng dịch vụ TMĐT, đơn hàng được các đơn vị vận chuyển là trung gian giao dịch giữa người mua với người bán. Tuy nhiên, chính việc “kẻ mua - người bán” trên chợ “ảo” và nhận hàng gián tiếp qua trung gian đã góp phần tạo điều kiện cho kẻ xấu có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.
Mạng xã hội Facebook cũng là một mảnh đất rất màu mỡ cho các đối tượng bán hàng Online, từ học sinh, sinh viên đến cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chị Phạm Thị Thúy Nga ở Đại Yên, Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ: “Thời gian vừa qua, do dịch Covid-19 xảy ra, để tránh tiếp xúc chỗ đông người, bảo đảm phòng dịch Covid-19, tôi thường xuyên mua thực phẩm qua mạng. Tôi thấy trên mạng Facebook đăng bán thịt lợn nhập từ Nga với giá rẻ bằng một nửa giá thịt lợn trong nước bán ở chợ, tôi mua thử 2kg về sử dụng, phát hiện thịt có mùi ôi rất khó chịu. Khi tôi gọi lại cho người giao hàng thì họ từ chối giải quyết vì chỉ là đơn vị vận chuyển, liên lạc với bên bán thì không ai phản hồi…”.
Không chỉ thực phẩm, các mặt hàng như nước hoa, quần áo, hoa quả thậm chí cả các mặt hàng cấm như: Dao, súng thể thao, dùi cui điện… cũng dễ dàng được thực hiện trên các giao dịch điện tử. Chỉ cần đánh vào tâm lý ham mua hàng rẻ, dễ mua bán của khách hàng, là ngay lập tức kẻ gian sẽ có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: “Hành vi trên đều phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi. Nhiều đối tượng không có cửa hàng; dùng tài khoản ảo; tiếp nhận đơn Online, phân tán hàng hóa qua các cộng tác viên, trên các nhóm, mạng xã hội; thanh toán qua trung gian… nên rất khó để xác định đối tượng vi phạm pháp luật. Facebook không có pháp nhân tại Việt Nam nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, do đó không có chế tài xử lý. Khi phát hiện sai phạm, Cục TMĐT chỉ báo cáo vi phạm để Facebook nhận tín hiệu khóa tài khoản. Rõ ràng, đây chỉ là giải pháp tình thế.
Thực tế cho thấy, việc quản lý hàng hóa, xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trên “chợ mạng” hiện nay đang còn nhiều bất cập. Các khâu giao dịch từ người bán đến trung gian giao hàng chưa có sự gắn kết trách nhiệm, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người tiêu dùng. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, nắm chắc thông tin về người bán hàng trước khi mua hàng để bảo vệ chính bản thân mình.