Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nạn tin giả cũng lây lan nhanh chóng trên mạng xã hội với nhiều chiêu trò xuyên tạc, như: Tung tin đồn địa phương mình có người nhiễm bệnh, ăn trứng vịt có thể chống được Covid, sắp phong tỏa thành phố, chợ và siêu thị sắp đóng cửa… Thậm chí, có người đăng cả tin “đùa” mình bị nhiễm Covid-19. Thống kê sơ bộ cho thấy, số người bị xử phạt vì đăng tải thông tin sai lệch còn nhiều hơn số người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam.
Các đối tượng tạo tin giả không chỉ là thanh niên, các bà mẹ bán hàng Online với mục đích câu like, mà có khi lại là người có hiểu biết, ảnh hưởng đến công chúng như một số ca sĩ có tên tuổi… Hoặc mới đây, một luật sư cũng bị xử phạt vì đưa những thông tin xúc phạm uy tín, danh dự một phóng viên bị nhiễm Covid-19 trên mạng xã hội Facebook.
Ngay tại Hà Nội, theo thống thông tin của Công an thành phố, từ ngày 31/1 -13/4, 78 trường hợp tung tin sai sự thật trên địa bàn về dịch Covid-19 lên mạng xã hội đã bị lập biên bản xử lý.
Rõ ràng mạng ảo mà hậu quả là thật. Bởi thông tin lan truyền ngay lập tức và có thể gây sợ hãi, hoảng loạn trong dư luận. Ngay như trong thời điểm ghi nhận bệnh nhân số 17 xuất hiện, nhiều tin đồn thất thiệt khiến người dân chen chúc đi mua nhu yếu phẩm, khiến hàng khan hiếm, tạo cơ hội cho các tiểu thương tăng giá các mặt hàng này. Đó mới chỉ là những hậu quả nhìn thấy được.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển mạnh về công nghệ thông tin. Theo báo cáo Social Media Stats, vào tháng 5/2019, Việt Nam có 57,43% cư dân sử dụng Facebook, 13% người dùng Twitter, 12,81% sử dụng Youtube. Số người sử dụng Internet, các mạng xã hội ngày càng lớn sẽ tỷ lệ thuận với các vấn đề tiêu cực phức tạp phát sinh và phổ biến nhất trong số đó, là vấn nạn tin giả.
Sự ra đời của Luật An ninh mạng thực sự đã khiến cho môi trường không gian mạng trở nên văn hóa, lành mạnh hơn rất nhiều, bởi một lượng lớn thông tin có nội dung xấu, ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục đã bị ngăn chặn, xử lý một cách nghiêm túc, hiệu quả. Những hành vi tung tin thất thiệt vì động cơ khác nhau đều bị nghiêm trị.
Ngày 3/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định các tổ chức, cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật… sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15 quy định phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Từ khi thi hành, Luật An ninh mạng đã chứng minh không chỉ là công cụ quản lý hiệu quả của Nhà nước với an ninh mạng mà còn là chuẩn mực để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể tham gia. Điều luật này đã giúp người dân nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các mạng xã hội, có trách nhiệm với chính thông tin mình đăng tải, phát tán đồng thời biết bảo vệ chính mình trước “nồi lẩu thông tin”.
Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.