Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Thay đổi nhận thức, hành vi người tiêu dùng

HOÀI DƯƠNG - 09:28, 30/09/2019

Sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), kết quả đạt được đang góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với Cuộc vận động, Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã có sự tác động mạnh mẽ đến tâm lý và thay đổi nhận thức, hành vi trong tiêu dùng của bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Ngày càng có nhiều hàng Việt được đưa về vùng nông thôn.
Ngày càng có nhiều hàng Việt được đưa về vùng nông thôn.

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của 59/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 36.030 cuộc đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Qua các đợt bán hàng, đã thu hút đông đảo người dân địa phương đến thăm quan, mua sắm, bước đầu tạo dựng được niềm tin của người dân với sản phẩm nội địa. Quan trọng hơn, Cuộc vận động đã có tác động mạnh mẽ đến việc thay đổi nhận thức trong tiêu dùng của bà con DTTS, miền núi. 

Sở Công thương các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn, với hơn 100.000 lượt doanh nghiệp tham gia, hơn 78.000 gian hàng, thu hút hơn 5 triệu lượt người dân địa phương tới thăm quan, mua sắm, mang lại doanh thu hơn 64,47 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt còn thu hút đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia. 

Thăm gian hàng của chị Lù Té Mư, dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Tè (Lai Châu), chúng tôi được chị Mư chia sẻ: “Từ khi có chủ trương khuyến khích dùng hàng nội địa, tôi đã chú trọng nhập hàng Việt. Giờ đây, bà con vùng này đều nhận thấy, hàng Việt Nam an toàn, chất lượng, giá cả phù hợp, vì thế việc bán hàng của tôi cũng thuận lợi hơn. Gian hàng nhà tôi có đến 80% số hàng là hàng Việt...”. 

Ông Giàng A Tính, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh cho biết, để mang hàng Việt đến với người tiêu dùng, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung tổ chức các phiên chợ tại các huyện trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa với các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm chế biến, các loại giống cây trồng, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp…

“Trước đây, bà con chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá cả các mặt hàng. Nay bà con đã quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và có sự ưu tiên lựa chọn sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất”, ông Tính cho biết thêm. 

Là một trong những doanh nghiệp tham gia Cuộc vận động đầu tiên và liên tục trong 10 năm qua, Tổng Công ty May 10 đã tận dụng tốt cơ hội này để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như, dịch vụ bán hàng, để có được một chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. 

“Chúng tôi luôn ý thức làm ra sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, hợp thị hiếu, giá cả phải chăng, dịch vụ trước trong và sau bán hàng tốt thì người tiêu dùng mới hưởng ứng”, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết.