Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc

Hoài Dương - 07:20, 20/09/2019

Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019, rút ra những bài học thực tiễn sâu sắc, đề ra các chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trong nhiệm kỳ mới. Báo Dân tộc và Phát triển đã phỏng vấn ông Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xung quanh hoạt động của MTTQ Việt Nam về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc

Ông Hầu A Lềnh trình bày Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014-2019 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX.

Ông có thể chia sẻ những dấu ấn nổi bật trong công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2014-2019?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019, trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam đã triển khai có trọng tâm, trọng điểm các cuộc vận động, phong trào thi đua; qua đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của Nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.

Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước được quan tâm; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Hoạt động đối ngoại Nhân dân của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đa dạng, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hoạt động của Mặt trận ngày càng đổi mới và hướng mạnh về cơ sở. Việc hoàn thiện cơ chế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận trong thời kỳ mới.

Trong những năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác phối hợp này?

Trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc. Chương trình phối hợp đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.

Đặc biệt, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Ban Dân tộc hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã, Ban Công tác Mặt trận thực hiện quy trình lựa chọn, bình xét, lập danh sách hơn 34.000 Người có uy tín trong đồng bào DTTS, phối hợp tổ chức nhiều hình thức phát huy vai trò Người có uy tín.

Qua đó đã nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc, cùng với cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước đã giúp cho kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi từng bước phát triển; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc ở vùng DTTS và miền núi.

Nhiệm kỳ 2014-2019, MTTQ Việt Nam đã đạt được những kết quả gì trong công tác tham gia xây dựng và giám sát việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc?

Những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã tăng cường công tác tham gia xây dựng và giám sát việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, góp phần tạo điều kiện phát triển vùng DTTS và miền núi.

Ở cấp Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức khảo sát tình hình kinh tế-xã hội, văn hóa của 5 DTTS có dân số dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Ơ-đu, Brâu và Rơ Măm); tổ chức các lớp tập huấn về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong đồng bào DTTS”; tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện các chính sách về cử tuyển; phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ… ở vùng DTTS và miền núi.

Ở các địa phương, công tác giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc được MTTQ chú trọng triển khai. Như tỉnh Ninh Thuận tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách về giao đất sản xuất, giao rừng; tỉnh Quảng Trị tổ chức giám sát chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; tỉnh Cao Bằng phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, xóa nhà dột nát, các chương trình cho vay vốn lãi suất ưu đãi; tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Đồng giám sát tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam đề ra phương hướng, giải pháp cụ thể nào để cùng các bộ, ngành, địa phương thúc đấy phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi, thưa ông?

Nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Kết luận số 1 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc” với những giải pháp cụ thể.

Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; về đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi; các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát động;… Hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng, vừa kết hợp các hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, vừa qua tài liệu, tờ rơi, đội thông tin lưu động, các hoạt động văn hóa, thể thao, các hội thi, đối thoại tiếp xúc của cán bộ Mặt trận với đồng bào…

Ủy ban MTTQ Việt Nam tiếp tục chủ động giám sát và chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị rà soát, giám sát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành; tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, giữ gìn phát triển văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc; chương trình, kế hoạch về xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS, đặc biệt đối với những DTTS rất ít người; tranh thủ các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam để thu hút thêm nguồn lực, góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tham gia xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở trong việc xây dựng những mô hình, điển hình trong thực hiện các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở vùng đồng bào DTTS; quan tâm xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình trong các lĩnh vực về chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, xây dựng trang trại, đồi rừng… giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận