Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Giang: Đồng bào các dân tộc “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”

Dương Ngọc Đức - 14:23, 15/10/2024

Để bài trừ những hủ tục không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới, năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về thực hiện xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27). Chủ trương "đúng" và "trúng" đã được đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, đồng thuận.

Tỉnh Hà Giang phát huy việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với việc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn. (Trong ảnh: Biểu diễn múa khèn của người Mông)
Tỉnh Hà Giang phát huy việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với việc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn. (Trong ảnh: Biểu diễn múa khèn của người Mông)

Nhiều năm trước đây, trong các bản làng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn tồn tại nhiều hủ tục trong việc tang, việc cưới, cúng bái lúc ốm đau... gây lãng phí, tốn kém tiền của, thời gian. Đơn cử như ở thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn có 55 hộ với 345 nhân khẩu, 100% đều là dân tộc Mông với 6 dòng họ. Đây là thôn tồn tại nhiều hủ tục nhất nhì xã Thài Phìn Tủng. 

Trong việc cưới, nhiều gia đình nhà gái thách cưới rất cao; đám cưới tổ chức cưới dài ngày, ăn uống linh đình gây lãng phí, tốn kém. Trong việc tang, đồng bào tổ chức đám tang dài ngày, người chết không được đưa vào áo quan; mổ nhiều gia súc để cúng bái, đốt nhiều vàng mã gây rất tốn kém, lãng phí và ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Nhiều gia đình có tư tưởng trọng nam khinh nữ, cấm con dâu ngồi ăn cơm chung với bố chồng, cùng với đó là tệ nạn uống rượu, tảo hôn khiến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở thôn luôn cao nhất nhì xã.

Ông Vàng Chìa Ly đã có hơn 15 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Chúng Mung chia sẻ: Sau khi có Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/05/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2021 - 2025 (Chỉ thị 09) và Nghị quyết 27 của Tỉnh uỷ, thôn chúng tôi đã thành lập Tổ vận động bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân. 

Tổ vận động cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn với từng nhánh dòng họ, trưởng dòng họ, các thầy mo, thầy cúng để thảo luận, bàn bạc thống nhất về nhận thức, cải tiến, đổi mới việc tang, việc cưới; thay đổi tư duy trong tổ chức lễ hội và nếp sống sinh hoạt với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"...

Ông Ly cũng chia sẻ lại câu chuyện “gương mẫu” trong việc tang của gia đình ông. Cụ thể là khi mẹ ông qua đời, gia đình đã đưa mẹ vào áo quan ngay khi làm tang lễ tại nhà. Gia đình ông cũng đồng thời thực hiện “4 không”: Không nhận trả lễ bằng gia súc (bò); không tổ chức tang ma rườm rà, dài ngày; không ăn uống linh đình; không đốt nhiều vàng mã.

Ban đầu, khi gia đình ông đưa ra quyết định này, một số gia đình trong dòng họ đã phản đối, bỏ về vì cho rằng như vậy là không đúng với truyền thống của người Mông từ trước đến nay. Sau khi nghe ông Ly chân thành giải thích, mọi người trong dòng họ hiểu ra và chấp nhận làm theo “cái mới”.

Ông Vàng Chìa Ly thông tin thêm, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 27, nhiều hủ tục đã được loại bỏ, nhận thức của người dân được nâng lên. Đến nay, thôn Chúng Mung đã có 4/6 dòng họ thực hiện đưa người chết vào áo quan ngay khi làm tang lễ tại nhà. Nhiều nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc Mông được khôi phục, phát huy; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm ngày càng giảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được nâng cao.

Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ được tỉnh Hà Giang tổ chức gắn với việc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân.
Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ được tỉnh Hà Giang tổ chức gắn với việc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân

Còn tại thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc có 202 hộ, với 1.206 nhân khẩu, với 8 dòng họ. Trước khi có Nghị quyết 27, trong thôn còn tồn tại nhiều hủ tục như tảo hôn, sinh nhiều con, thách cưới cao, đám tang dài ngày, ăn uống linh đình, tốn kém... Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 27 thì những hủ tục này dần đã được loại bỏ khỏi cộng đồng.

Ông Sùng Chứ Mua, Trưởng dòng họ Sùng cho biết: Dòng họ của ông có 63 hộ, 323 khẩu. Sau khi được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, giải thích, dòng họ Sùng thống nhất sẽ thay đổi, cải tiến cái cũ, làm theo cái mới, tiến bộ. Dòng họ Sùng có 17 đảng viên, đông nhất ở thôn này, do đó, chúng tôi phát huy vai trò tiên phong "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". 

Dòng họ Sùng đã thống nhất, thời gian tổ chức lễ tang từ 12 tiếng đến 36 tiếng, chỉ mổ 1 con lợn; con cháu phải được bố mẹ tạo điều kiện cho đi học đến nơi, đến chốn, không được tảo hôn. Trong việc cưới, chỉ tổ chức gọn nhẹ, trang trọng tiết kiệm trong 1 ngày. 

Nhờ thực hiện nếp sống văn hóa mới mà các gia đình trong dòng họ làm ăn kinh tế cũng khấm khá hơn. Đến nay, đã có 4 dòng họ trong thôn thực hiện đưa người chết vào áo quan ngay khi làm tang ma tại nhà, đời sống sinh hoạt đã có nhiều thay đổi tiến bộ.

Ông Trần Mạnh Lợi, Trưởng ban Dân vận cho biết thêm: Hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện nếp sống văn hóa mới; việc cưới, việc tang đã có chuyển biến tích cực; nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được quan tâm thực hiện.

Tiêu biểu như Huyện ủy Đồng Văn chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp định hướng, vận động đoàn viên, thanh niên tổ chức đăng ký kết hôn tập thể; thành lập Câu lạc bộ (CLB) sức khỏe sinh sản; CLB phòng chống tảo hôn; CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB gia đình “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”, CLB “Phòng chống mua bán người” tại 9/9 xã biên giới; CLB nông dân phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; huyện Bắc Mê xây dựng mô hình cưới tiết kiệm, gia đình trẻ và thanh niên với việc cưới theo nếp sống mới tại 13/13 xã, thị trấn; các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần làm tốt công tác vận động mọi người không dự lễ cưới đối với các cặp đôi tảo hôn.

Trong việc tang cũng có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống trong đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát huy.