Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giữ gìn hương rừng, sắc núi

Hồng Phúc - Tấn Vịnh - 18:05, 08/11/2023

Tại TP. Đà Nẵng - một đô thị lớn ở khu vực miền Trung có cộng đồng DTTS quần tụ ngay sát ngoại thành. Đó là cộng đồng người Cơ Tu cư trú ở 3 thôn: Phú Túc (xã Hòa Phú), Giàn Bí và Tà Lang (xã Hòa Bắc), huyện Hòa Vang. Điều đặc biệt là đồng bào Cơ Tu nơi đây vẫn giữ gìn được những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình trước những thách thức giao lưu, biến đổi và hội nhập của xã hội.

Lễ hội Kết nghĩa của dân tộc Cơ Tu
Lễ hội Kết nghĩa của dân tộc Cơ Tu

Di sản văn hóa độc đáo

Ở các xã có người Cơ Tu sinh sống thuộc huyện Hòa Vang, hương rừng, sắc núi vẫn ẩn hiện, lưu giữ qua nét kiến trúc cổ như nhà làng, cổng làng, điêu khắc gỗ, trang phục, diễn xướng, ẩm thực... tạo nên dấu ấn, sắc thái văn hóa của địa phương.

Về văn hóa vật thể, có thể thấy rõ nhất là kiến trúc nhà làng truyền thống. Cả thôn Phú Túc, Giàn Bí, Tà Lang đều có nhà gươl được phục dựng theo mô hình thiết chế văn hóa thôn bản nhưng vẫn giữ phong cách truyền thống. Đồng bào sử dụng vật liệu có sẵn trong thiên nhiên như cỏ tranh, lá mây, lá cọ, tre nứa, gỗ; đặc biệt, không có những vật liệu mới như bê tông, xi măng, sắt thép, tấm lợp bằng tôn... nên giữ được hồn cốt của dân tộc mình.

Nghệ nhân điêu khắc Trương Văn Mỹ ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc với tác phẩm mặt nạ gỗ
Nghệ nhân điêu khắc Trương Văn Mỹ ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc với tác phẩm mặt nạ gỗ

Trang trí nội thất nhà gươl vẫn giữ được nét đẹp vốn có của đồng bào ở vùng cao, có thể thấy ở cây cột cái, xà ngang, lan can... Sân nhà làng ở các thôn đều thoáng mát, ở giữa sân có dựng cây cột lễ - vật thiêng không thể thiếu vắng trong lễ hội của làng. Cây nêu của đồng bào Cơ Tu ở thôn Phú Túc làm đẹp cho không gian sinh hoạt chung của làng. Nó là dạng cây nêu có cách thức trang trí, đường nét thẩm mỹ khác biệt so với cây nêu của người Cơ Tu ở vùng cao.

Về thiết chế văn hóa cổ truyền, bên cạnh nhà làng, đồng bào nơi đây xây dựng một số nhà moong (nhà rẫy) làm nơi sinh hoạt, chế biến ẩm thực trong dịp lễ hội. Thôn Tà Lang và Giàn Bí được quy hoạch, tái định cư theo mô hình thôn mới. Trước khi vào thôn có cổng làng với đường nét kiến trúc cổ, trụ cổng vững chắc, mái khum hình mu rùa mang dáng dấp của ngôi nhà làng Cơ Tu.

Đặc sản ẩm thực dân tộc Cơ Tu phục vụ du khách tại Làng du lịch cộng đồng thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Ảnh: Huỳnh Văn Truyền
Đặc sản ẩm thực dân tộc Cơ Tu phục vụ du khách tại Làng du lịch cộng đồng thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Thú vị hơn, đồng bào Cơ Tu ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí vẫn còn lưu giữ bộ sưu tập mặt nạ gỗ do chính nghệ nhân trong làng tạo tác và qua trao đổi với người đồng tộc ở Đông Giang. Đây là những chiếc mặt nạ tương đối hoàn hảo, có sắc thái riêng trong tạo dáng và chạm trổ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật gọt đẽo và sử dụng sắc màu. Một số nghệ nhân còn biết chạm khắc mặt nạ gỗ và truyền dạy cho thế hệ trẻ trong làng. Có thể đây là những nghệ nhân cuối cùng của đồng bào Cơ Tu ở vùng thấp còn biết đến nghệ thuật điêu khắc mang đậm dấu ấn nguyên thủy.

Có nhiều biến đổi trong nếp sống, cư trú, sinh hoạt, ăn uống do giao lưu, ảnh hưởng văn hóa của người Kinh ở đồng bằng nhưng đồng bào Cơ Tu nơi đây vẫn biết khai thác, chế biến những món ăn truyền thống. Từ nguồn lương thực, thực phẩm, sản vật nuôi trồng và khai thác trong thiên nhiên, đồng bào chế biến thành nhiều món ăn đặc sản truyền thống phục vụ cho các dịp lễ, Tết như món nướng, món lam, các loại bánh, các loại thức uống.

Cây nêu của người Cơ Tu
Cây nêu của người Cơ Tu

Những sản vật khai thác từ thiên nhiên núi rừng, sông suối cũng thường thấy xuất hiện trong các món ẩm thực dành cho lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Đó là món cá niêng, ốc đá khai thác từ sông Cu Đê, các món ăn từ côn trùng như trứng kiến, kiến vàng, nhộng ong, cào cào, dế... các loại rau, củ, quả được thu hái ở núi rừng, nương rẫy. Nhìn vào “mâm cỗ” dâng cúng thần linh, đãi khách quý thì cũng đầy đủ hương vị, sắc màu.

Lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn

Cùng với tài nguyên thiên nhiên bao bọc quanh Bà Nà, Núi Chúa, sự hiện diện của đồng bào Cơ Tu tạo nên “tài nguyên nhân văn” quý báu ở vùng ngoại thành Đà Nẵng. Trong đó, vốn văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu (huyện Hòa Vang) và địa bàn giáp ranh nằm dọc theo tuyến đường lên huyện Đông Giang (Quảng Nam) được phục hồi và khai thác hiệu quả. Đó là các điểm du lịch như Suối Hoa, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, làng du lịch cộng đồng Phú Túc, Tà Lang, Giàn Bí...

Trong định hướng chiến lược phát triển về phía Tây, Đà Nẵng cần quan tâm đầu tư nguồn lực để tái dựng và khai thác không gian văn hóa của dân tộc Cơ Tu, làm giàu có, phong phú thêm giá trị độc đáo trong các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch. Trước mắt, địa phương cần khẩn trương nghiên cứu, đánh giá hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu, có giá trị như làng nghề truyền thống, lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật điêu khắc, trang trí, trang phục truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực... của dân tộc Cơ Tu. Cần tăng cường nguồn lực, khuyến khích, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tạo dựng, phục hồi và khai thác không gian văn hóa tộc người, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa nhằm phục vụ cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.