Đồng bào Cơ Tu sinh sống ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là chủ nhân của những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm như pơ mu, lim, đỗ quyên... Đặc biệt, nơi đây tồn tại cánh rừng pơ mu với số lượng hàng nghìn cây đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, và được mệnh danh là “Vương quốc pơ mu”. Từ thời điểm rừng pơ mu tại đỉnh núi Zi’liêng (thuộc địa bàn các xã A Xan và Tr’hy, huyện Tây Giang) được công nhận là Cây Di sản việt Nam, huyện Tây Giang đã đầu tư xây dựng những căn nhà truyền thống ở vùng lõi rừng pơ mu làm nơi lưu trú cho những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và cho du khách đến tham quan du lịch. Đặc biệt, nơi đây tọa lạc một ngôi nhà làng truyền thống (gươl) do bà con thôn Ka Noonh, xã Axan hiến tặng.
Thôn Ka Noonh, thuộc xã A Xan, huyện Tây Giang là nơi còn lưu giữ những di sản văn hóa quý hiếm, bí ẩn. Tại đây bà con trong làng đã phát hiện ra chiếc trống đồng cổ, sau này các nhà nghiên cứu gọi là trống đồng Ka Noonh. Đây cũng là nơi duy nhất thuộc miền núi xứ Quảng có nghề làm đồ gốm đất nung. Tương truyền, cô gái Chăm bị lưu lạc lên vùng này được dân làng cưu mang, nuôi nấng. Sau lớn lên, cô truyền dạy nghề làm đồ gốm cho người dân trong làng, trở thành bà tổ nghề gốm của làng nghề xa khuất giữa đại ngàn.
Nhiều người biết tiếng ngôi làng nhỏ này bởi ở đây có một lão nghệ nhân điêu khắc và vẽ tranh tài giỏi nhất của dân tộc Cơ Tu, đó là Kêr Tíc. Thời còn trẻ khỏe, ông được mời đi nhiều nơi tham gia tạc tượng, vẽ tranh, thiết kế, xây dựng nhà làng, nhà mồ. Tại Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang, tác phẩm của ông được trang trí trong ngôi nhà gươl to và đẹp nhất vùng miền núi. Ông đã thiết kế và vẽ, tạc tượng trang trí cho ngôi nhà gươl và nhà mồ thuộc khu du lịch làng Nguyệt Biều, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Về già, khi “tài năng chín mùi” hơn, nghệ nhân Kêr Tíc cùng với bà con, nghệ nhân thân thuộc xây cất nên ngôi nhà làng, như là món quà dành tặng cho quê hương.
Ngôi nhà làng truyền thống ở thôn Ka Noonh tuy không to lớn, đồ sộ như những công trình mà nghệ nhân Kêr Tíc từng tham gia xây dựng nhưng nó thực sự là một tác phẩm kiến trúc và điêu khắc, hội họa có giá trị. Mỗi chi tiết kiến trúc của ngôi nhà như chân cột, xà ngang, tấm ván thưng, cửa ra vào... được nghệ nhân gửi gắm vào đây nhiều bức tượng, phù điêu, tranh vẽ, rất sống động.
Nếu như ở các ngôi nhà làng khác, chân cột chỉ là những đoạn gỗ thô sơ có chức năng làm trụ đỡ, được xem là phần âm, nằm phía dưới sàn, thì ở làng Ka Noonh, hai hàng cột được chăm chút nhiều đường nét tinh tế và tô màu nổi bật. Những hoa văn hình tròn, hình thoi, hình tam giác, hình bán nguyệt xen kẽ nhau. Hình tam giác tạo thành biểu tượng lá atút, giống như cái chong chóng nằm trên đầu chân cột rất ấn tượng. Hình tròn tượng trưng cho chuỗi hạt crôl. Hình thoi biểu trưng cho chuỗi hạt mã não - những loại trang sức quý giá nhất, thể hiện sự giàu có, sang trọng theo quan niệm truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Ngay trên chân cột là tấm ván thưng hay các vách ngăn hiện lên nhiều tác phẩm hội họa hết sức độc đáo. Hầu như mọi mặt đời sống của người Cơ Tu được tái hiện một cách sống động bằng những hình vẽ đơn sơ và những khối điêu khắc thô mộc nhưng giàu tính biểu cảm. Sinh hoạt lễ hội cộng đồng được tái hiện rất cô đọng với hình ảnh người phụ nữ đưa đôi tay lên trời trong điệu múa da dá quanh cây nêu. Rồi hình ảnh con trâu trong lễ hiến tế thần linh, người đàn ông nhảy điệu tân tung hay hình ảnh những thanh niên khiêng trống đồng, đánh chiêng trong không khí hân hoan.
Hai đầu tấm ván thưng là hai chú chim tring (chim mỏ sừng, phượng hoàng đất), là chim thiêng xuất hiện nhiều trong mô típ nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu.
Nội thất cũng bố trí dày đặc các bức tranh và điêu khắc. Hai xà ngang nổi lên các bức tượng đôi trăn, kỳ đà đối đầu vào nhau. Bên trong tấm ván thưng chạm nhiều bức phù điêu tái hiện cảnh đi săn, vui chơi, sinh hoạt hàng ngày. Đáng chú ý là bức phù điêu Uống rượu cần, miêu tả 6 người đang vít cần uống rượu một cách mê say. Những chiếc cần cong tạo hình đẹp mắt.
Hai chiếc ché thể hiện trong phù điêu đều trang trí những họa tiết rất bắt mắt. Bức phù điêu trông tựa bức tranh sơn dầu với gam màu trầm lắng, nét chạm khắc đơn sơ, mộc mạc, nét vẽ bay bổng, nhẹ nhàng mang tính cách điệu rất cao - một thủ pháp nghệ thuật thường thấy ở các tộc người miền núi.
Hai đầu hồi bố trí những tấm ván tạo hình với nhiều nhân vật, mỗi gương mặt biểu hiện trạng thái tình cảm khác nhau, trong đó nổi bật là bức phù điêu đôi trai gái nhìn đối diện nhau như trao gửi lời yêu thương ngọt ngào.
Món quà tặng của dân làng Ka Noonh thật ý nghĩa, vì đây là công trình mang đậm dấu ấn văn hóa Cơ Tu, hài hòa với quang cảnh thiên nhiên đại ngàn. Từ ngôi nhà làng trở thành “ngôi nhà chung” của vùng cao, tọa lạc giữa rừng cây di sản. Vào những ngày đầu năm mới, đồng bào sinh sống ở các xã lân cận thường tập trung về đây để tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ hội mừng lúa mới, lễ khai năm tạ ơn rừng.
Đầu năm 2019, đồng bào tổ chức Lễ tạ ơn rừng giữ khu rừng pơ mu. Lễ hội với nghi lễ linh thiêng cúng thần rừng thần núi, phát huy tập quán giữ rừng, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng, nhất là những cánh rừng già, rừng đầu nguồn, con sông, khe suối, tạ ơn thần rừng, cảm ơn mẹ thiên nhiên đã che chở họ, cho họ nguồn nước, sản vật để sinh tồn. Lễ hội cũng là dịp tập hợp nhiều nghệ nhân tham gia hát lý- nói lý, trình diễn vũ điệu tân tung da dá- những loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian.
Ai đến đây cũng phải thán phục, trầm trồ trước di sản tạo hình của chính nghệ nhân tài hoa Kêr Tíc và bà con trong làng Ka Noonh sáng tạo. Ngôi nhà làng là nơi trở về của các già làng, bà con khi có dịp lễ hội.