Đẹp từ tên gọi
Khi đặt chân đến các địa phương vùng cao của Lào Cai như: Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn... không khó để bắt gặp hình ảnh phụ nữ Mông, Dao, Tày, Nùng, Xa Phó mải mê ngồi thêu, dệt thổ cẩm nơi hiên nhà, trong góc chợ hay bên sạp hàng thủ công ven đường.
Năm 2024 là năm đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức phát động Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc (diễn ra từ ngày 15 - 19/4) và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân. Qua đó lan tỏa niềm tự hào, quyết tâm chung tay bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của cả hệ thống chính trị và cộng đồng”.
Bà Giàng Thị Dung Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai
Người Mông xanh có dân số rất ít, hiện sinh sống chủ yếu ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn. Se lanh, dệt vải là một trong những nghề truyền thống của người Mông xanh đã nhiều đời nay. Trang phục của người Mông xanh đơn sắc với màu chàm xanh đen là màu chủ đạo chứ không sặc sỡ như người Mông hoa, Mông trắng... Trang phục được thiết kế từ chất liệu vải lanh, do người phụ nữ tự trồng cây lanh, dệt vải, nhuộm chàm và thêu, may bằng tay.
Chị Vàng Thị Hoa, ở thôn Tu Thượng, năm nay 21 tuổi nhưng đã làm thành thạo các bước để làm ra một bộ quần áo truyền thống. Chị Hoa cho biết: Với mong muốn tự tay làm được những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình, từ lúc còn nhỏ, chị đã theo các bà, các mẹ học cách trồng cây lanh, se sợi, dệt vải…
“Bây giờ thì mình đã có thể làm cho chồng, cho con những bộ quần áo truyền thống để đi dự những ngày lễ, Tết, ngày truyền thống của dân tộc. Ngoài ra mình cũng có thể dạy những em gái nhỏ trong thôn nghề dệt truyền thống của dân tộc mình rồi…”, chị Hoa tâm sự.
Với người Mông, trang phục không chỉ là đồ mặc thông thường mà còn là đời sống tâm linh. Đi ăn hỏi, đám cưới rồi đến khi qua đời cũng phải có bộ trang phục truyền thống để mặc… Điều đó cho thấy, người Mông trân trọng bộ y phục như thế nào. Cũng để thấy rằng, sự tinh tế, kỹ lưỡng trên hoa văn thêu thùa, vẽ sáp, ghép vải... không chỉ đơn thuần chứa đựng tính thẩm mỹ, nó còn là quan niệm tín ngưỡng truyền thống mà người Mông không bao giờ quên vun đắp.
Bảo tồn, quảng bá nét đẹp thổ cẩm
Thổ cẩm như một kho tàng di sản với nhiều giá trị đặc sắc, trở thành điểm nhấn, tạo sức hấp dẫn du khách khi đến với Lào Cai. Để tôn vinh giá trị và vẻ đẹp của thổ cẩm trong đời sống văn hóa tâm linh và tinh thần của cộng đồng các dân tộc, Lào Cai đã và đang triển khai nhiều giải pháp bảo tồn nghề dệt may thủ công nói chung và nghề thêu, dệt thổ cẩm nói riêng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung, từ năm 2021 - 2023, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức hơn 30 lớp trao truyền kỹ năng, kỹ thuật, cách thức tạo ra y phục, hoa văn truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, sử dụng nghệ nhân của cộng đồng truyền dạy lại cho người dân tại địa phương. Tỉnh Lào Cai cũng đã xây dựng 6 mô hình bảo tồn mẫu hoa văn, trang sức, trang phục dân tộc.
Với phương châm “Biến di sản thành tài sản”, nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá nét đẹp trang phục đồng bào các dân tộc cũng đã được tổ chức để giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước. Từ ngày 8 - 10/11 vừa qua, Lào Cai tổ chức Festival “Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa” thị xã Sa Pa với chủ đề "Sa Pa thổ cẩm miền sương mây". Trong khuôn khổ của Festival đã diễn ra hoạt động trình diễn về thổ cẩm và giới thiệu sản phẩm thổ cẩm đặc trưng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó gắn với xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu làng du lịch, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề của tỉnh; trưng bày bộ trang phục, vải, hoa văn thổ cẩm các dân tộc; nghệ nhân trình diễn quy trình sản xuất thổ cẩm truyền thống các dân tộc.