Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gìn giữ nghề truyền thống làm giấy dó của người Mường

PV - 14:51, 10/03/2023

Nghề làm giấy dó của người Mường ở xóm Suối Cỏ, xã Hợp Hòa (nay là xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã có từ lâu đời nay, là nghề cha truyền con nối. Với đam mê nghề truyền thống, những nghệ nhân xóm Suối Cỏ tiếp tục duy trì sản xuất, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc nghề của cha ông để lại.

Nguyên liệu làm giấy Dó là từ vỏ cây dướng. Sau khi luộc và ngâm mềm, vỏ cây dướng được nhặt sạch các cặn bẩn sau rồi vào bể nghiền thành bột để làm thành giấy Dó. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Nguyên liệu làm giấy Dó là từ vỏ cây dướng. Sau khi luộc và ngâm mềm, vỏ cây dướng được nhặt sạch các cặn bẩn sau rồi vào bể nghiền thành bột để làm thành giấy Dó. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Chúc là một trong 5 hộ duy trì sản xuất giấy dó tại Suối Cỏ. Ông chia sẻ, nghề làm giấy dó của người Mường đã tồn tại từ hàng trăm năm. Xưa kia, giấy dó được tạo ra để làm sắc phong, in sách, văn khấn… Đến nay, giấy dó trở thành nguyên liệu để nghệ nhân thể hiện các tác phẩm tranh vẽ tín ngưỡng phục vụ thờ cúng, tục treo tranh... Đặc biệt, với sự sáng tạo, các nghệ nhân đã tiếp tục đổi mới sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng để làm ra các sản phẩm trang trí, gói quà mang tính thẩm mỹ cao.

Làm giấy dó chủ yếu với công nghệ sản xuất thủ công. Nhiều năm trước tại xóm Suối Cỏ có vài hộ gia đình chật vật duy trì sản xuất nhỏ lẻ theo đơn đặt hàng của cá nhân trong và ngoài nước. Ông Chúc đã từng mang ba lô giấy dó, bắt xe lên Văn Miếu (Hà Nội), phố cổ Thành Nam (Nam Định), tìm những người yêu viết chữ, viết câu đối để bán cho họ. Nhưng không ít lần ông trở về nhà chán nản với ba lô còn nguyên giấy dó. Tuy nhiên, với tâm huyết và niềm tin mãnh liệt vào giá trị của một sản phẩm truyền thống, ông Chúc đã bằng mọi cách duy trì nghề, từng bước liên kết với các cá nhân, tổ chức tìm đầu ra cho sản phẩm giấy dó.

Vỏ cây dướng được ngâm trong nước 2 - 3 ngày để làm mềm ra, ngâm qua nước vôi, rồi nấu đun sủi liên tục trên 10 tiếng và được ủ qua 1 ngày 1 đêm. Tiếp tục ngâm vỏ cây dướng trong nước sạch khoảng 7 - 10 ngày để thải hết nhựa cây và chất vôi. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Vỏ cây dướng được ngâm trong nước 2 - 3 ngày để làm mềm ra, ngâm qua nước vôi, rồi nấu đun sủi liên tục trên 10 tiếng và được ủ qua 1 ngày 1 đêm. Tiếp tục ngâm vỏ cây dướng trong nước sạch khoảng 7 - 10 ngày để thải hết nhựa cây và chất vôi. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Theo ông Chúc, quá trình sản xuất sản phẩm giấy dó phức tạp, trải qua 35 công đoạn, từ việc lấy nguyên liệu, ngâm ủ đến làm ra sản phẩm phải mất nửa tháng. Loại cây được sử dụng để làm giấy nhiều nhất hiện nay là cây dó và cây dướng (người Mường còn gọi là cây ráng). Cây dướng phải chọn những cây bánh tẻ, khoảng 3 đến 4 năm tuổi, đủ lớn để bóc vỏ cứng bên ngoài, rồi phơi cho thật khô để tránh vỏ cây bị ẩm mốc, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấy.

Vỏ cây dướng được ngâm trong nước từ 2 đến 3 ngày để làm mềm ra. Khi vỏ đã đạt tiêu chuẩn về độ mềm sẽ được cắt thành các đoạn dài khoảng 1m, được buộc thành những bó nhỏ, ngâm qua nước vôi đặc (giúp vỏ có thể chín đều) rồi xếp vào thùng nấu đun liên tục trên 10 tiếng, ủ qua 1 ngày 1 đêm. Khi vỏ cây dướng đã nguội, vớt ra rửa sạch vôi hoàn toàn... rồi lại tiếp tục ngâm trong nước sạch khoảng 7 đến 10 ngày để thải hết nhựa cây và chất vôi.

Sau khi đã ngâm mềm, vỏ cây dướng được cho vào bể nghiền thành bột để làm giấy. Bột cây dướng được hòa kỹ cùng nước sạch và nước gỗ mò trong bể tráng giấy. Công đoạn tráng giấy sẽ quyết định độ dày - mỏng - mịn của tờ giấy. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo nên thường được người phụ nữ Mường đảm nhiệm. Bà Hoàng Thị Hậu (vợ ông Nguyễn Văn Chúc) đảm nhận công việc tráng giấy cho biết, bà dùng khuôn liềm để seo giấy dó. Bột giấy lỏng được đổ lên khuôn, tráng mỏng và đều để róc nước, sau đó với động tác nhanh, dứt khoát nhấc liềm lên, từng lớp bột giấy mỏng đó tách khỏi khuôn liềm theo từng lớp chồng lên nhau. Mỗi đợt đủ khoảng 40 đến 50 tờ, sau đó chuyển sang công đoạn ép giấy cho hết nước rồi tách giấy đem phơi khô. Cứ 10 kg vỏ tươi hoặc 4 kg vỏ khô nguyên liệu sẽ làm ra khoảng 120 tờ giấy. Bước cuối cùng là xếp các tấm giấy thành lớp, tùy theo loại giấy mà dùng thanh nứa mảnh dọc theo khổ 10 x 20 cm hoặc 20 x 30 cm. Giấy dó sản xuất ở Suối Cỏ từ nguyên liệu tự nhiên nên chất lượng tốt, có độ bền dai, màu giấy tự nhiên gặp nước không phai và không bị mối hay gián nhấm.

Mỗi đợt seo đủ khoảng 40 - 50 tờ rồi chuyển sang công đoạn ép giấy cho hết nước, tiếp đến tách giấy đem phơi khô. Cứ 10 kg vỏ tươi hoặc 4 kg vỏ khô nguyên liệu sẽ làm ra khoảng 120 tờ giấy có giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/tờ. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Mỗi đợt seo đủ khoảng 40 - 50 tờ rồi chuyển sang công đoạn ép giấy cho hết nước, tiếp đến tách giấy đem phơi khô. Cứ 10 kg vỏ tươi hoặc 4 kg vỏ khô nguyên liệu sẽ làm ra khoảng 120 tờ giấy có giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/tờ. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Gia đình bà Hoàng Thị Chi, xóm Suối Cỏ tham gia làm giấy dó cùng gia đình ông Chúc đã gần 20 năm. Theo bà Chi đây là nghề của ông cha để lại nên ngoài việc làm kiếm thêm thu nhập, gia đình bà cũng mong muốn chung tay gìn giữ nghề truyền thống của người Mường.

Hiện nay cơ sở của ông Chúc sản xuất giấy dó theo các đơn đặt hàng với số lượng lên đến hàng nghìn tờ. Giá cũng được chia thành nhiều loại, tùy theo độ dày mỏng của giấy, từ 10.000 - 15.000 đồng/tờ. Tuy giá thành rẻ, thu nhập không cao nhưng kinh tế của những gia đình làm giấy dó ổn định và phát triển. Nhiều thời điểm, cơ sở không kịp làm với những đơn hàng lớn do nguồn nguyên liệu không có sẵn và khó tìm. Ngoài các tỉnh miền Bắc, vào các dịp giáp Tết, giấy dó của người Mường Suối Cỏ còn được các công ty lữ hành, du lịch khu vực miền Trung, miền Nam và các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Pháp… tin tưởng lựa chọn sử dụng, cho giá trị thẩm mỹ cao.

Trưởng xóm Suối Cỏ, ông Hoàng Văn Độ cho biết, những năm trở lại đây, nghề làm giấy dó đã có nhiều người biết đến, nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua giấy dó làm quà. Với những nỗ lực trong lao động và sản xuất, cùng ý chí gìn giữ văn hóa bản sắc dân tộc của người dân, chính quyền huyện Lương Sơn đang triển khai những chính sách phù hợp để hỗ trợ các gia đình ở xóm Suối Cỏ tiếp tục duy trì sản xuất, song song với việc bảo tồn, phát triển nghề làm giấy dó thủ công truyền thống của người Mường, từng bước tạo dựng thương hiệu, xây dựng làng nghề, hướng đến hình thành điểm du lịch trải nghiệm cộng đồng, tạo thêm thu nhập cho lao động địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.