Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giáo dục nghề nghiệp Sóc Trăng kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm

Tào Đạt - Như Tâm - 08:36, 27/11/2024

Nhờ nguồn lực đến từ Tiểu dự án 3 – Dự án 5 về “phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã chú trọng kết nối hiệu quả việc đào tạo và giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động.

Từ nguồn vốn đến từ Tiểu dự án 3, tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho đồng bào DTTS (Trong ảnh: Một buổi học tại Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng)
Từ nguồn vốn Tiểu dự án 3, Dự án 5, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho đồng bào DTTS (Trong ảnh: Một buổi học tại Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng)

Nâng cao chất lượng đào tạo…

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn 2022 - 2024, đơn vị được giao trên 7,7 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Tiểu dự án 3 – Dự án 5 về “phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình MTQG 1719. Tính đến ngày 31/6/2024, đơn vị đã giải ngân được hơn 2,1 tỷ đồng.

Cụ thể, từ nguồn vốn này Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ phát triển Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh nhằm hỗ trợ lao động là người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm.

Đồng thời, thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cũng được hỗ trợ tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, riêng về hỗ trợ đào tạo nghề và xây dựng các mô hình đào tạo nghề, tỉnh Sóc Trăng thực hiện tuyển sinh 69.000 người (đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch), gồm: trình độ cao đẳng là 3.640 người, trung cấp là 3.560 người, sơ cấp là 28.500 người, dưới 3 tháng là 23.350 người, đào tạo thường xuyên là 9.950 người.

Số học nghề tốt nghiệp được là 62.425 người (đạt 90,47% so với tổng số tuyển sinh), gồm: trình độ cao đẳng là 2.500 người, trung cấp là 2.250 người, sơ cấp 27.126 người, dưới 3 tháng 20.599 người, đào tạo thường xuyên là 9.950 người.

Ước tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào đạt 64,05%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 59,01%; tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ là 32,00%. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng từ ngân sách nhà nước thuộc Tiểu dự án 3: tuyển sinh cho 10.948 người lao động vùng đồng bào DTTS; tốt nghiệp 9.948 người, trong đó 9.848 người có việc làm sau đào tạo, chiếm 98,99%/tổng số người tốt nghiệp.

Trang thiết bị được đầu tư hiện đại, đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Trang thiết bị được đầu tư hiện đại, đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tỉnh Sóc Trăng cũng đã tranh thủ nguồn lực từ Tiểu dự án 3 – Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719 gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS.

Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nội dung về giáo dục nghề nghiệp từ các CTMTQG nói chung và Tiểu Dự án 3 nói riêng khá đầy đủ, kịp thời, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có bộ phận, đơn vị hợp tác với doanh nghiệp. Điển hình như Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng và Trường Cao đẳng cộng đồng Sóc Trăng đã hợp tác với doanh nghiệp, thực hiện một số hoạt động như: gửi học sinh, sinh viên, người học nghề thực tập, thực tế tại doanh nghiệp; mời cán bộ kỹ thuật, kỹ sư… của doanh nghiệp tham gia giảng dạy, tham gia xây dựng chương trình đào tạo; mời doanh nghiệp tham gia tư vấn, tuyển dụng tại các buổi đối thoại, lễ trao bằng tốt nghiệp. 

Đặc biệt, hình thức đào tạo nghề hướng về đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương để các học viên sau khi đào tạo, có tay nghề là có việc làm luôn…

Các ngành, nghề liên kết, hợp tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được đánh giá đạt hiệu quả rất thiết thực.. Cụ thể, người lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề, kỹ năng mềm nên được các công ty, doanh nghiệp tuyển vào làm việc, có thu nhập ổn định, nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần, kinh tế gia đình được nâng lên sau khi học nghề…

Tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động (Trong ảnh: Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng tiếp và làm việc với Đoàn Công tác đến từ Nhật Bản trong Chương trình hợp tác du học nghề, hệ vừa học, vừa làm tại Nhật Bản)
Tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động (Trong ảnh: Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng tiếp và làm việc với Đoàn Công tác đến từ Nhật Bản trong Chương trình hợp tác du học nghề, hệ vừa học vừa làm tại Nhật Bản)

Theo đánh giá của các doanh nghiệp liên kết, các ngành, nghề đào tạo đạt hiệu quả cao trong thời gian gần đây là công nghệ ôtô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm... với trên 95% học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp, mức thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/tháng.

Cũng nhờ nguồn lực từ Tiểu dự án 3, công tác giáo dục nghề nghiệp cho người lao động, nhất là lao động DTTS được gắn với việc tạo sinh kế sau đào tạo như: đào tạo gắn với mở cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; đào tạo gắn với việc làm hiện có của hộ gia đình; đào tạo gắn với việc làm tại công ty, doanh nghiệp; đào tạo gắn với hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sản xuất, dịch vụ; đào tạo gắn với đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đào tạo phục vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương…

Bà Lục Bích Phúc, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận: những năm qua, nguồn vốn từ Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719 đã giúp nhiều người lao động DTTS của tỉnh có nghề nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, có thu nhập khá, đời sống được cải thiện. Qua đó, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Sóc Trăng.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương miền núi Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.