Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gian nan cuộc chiến chống mua bán người trên vùng biên Lạng Sơn: Những vụ án điển hình (Bài 1)

Hồng Phúc - Hoàng Vân - 09:12, 01/08/2022

Vùng biên giới Lạng Sơn vẫn đang nóng về tình trạng buôn bán người. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, những năm qua, tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Từ năm 2015 đến nay, BĐBP Lạng Sơn liên tục tiếp nhận, điều tra, phá nhiều chuyên án, vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em, giải cứu nhiều nạn nhân trở về với gia đình.Trong đó, có cả những nạn nhân bị mua bán mới vài ngày tuổi, thậm chí, đối tượng lại chính là mẹ ruột của nạn nhân…

Mua, bán cả trẻ sơ sinh

Trên đường mòn biên giới chập chùng thuộc mốc 1225, thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi được cùng các trinh sát BĐBP Lạng Sơn thực hiện chuyến tuần tra xuyên đêm. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, Trung tá Lý Văn Tý, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, kể cho chúng tôi nghe về những vụ án mua bán người và giải cứu nạn nhân đến nghẹt thở trên đường biên giới.

Bài 1: Nhức nhối nạn buôn người
Đối tượng Nguyễn Thị Bích Liễu khai nhận tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma. Ảnh: CTV

Đó là vụ án bị cáo Nguyễn Thị Bích Liễu (sinh năm 1983, trú tại Bình Đức 6, Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), bị bắt ngày 8/8/2019 vì tội đưa trẻ sơ sinh sang Trung Quốc bán là 1 trong nhiều vụ án gây phẫn nộ đối với nhiều người vì hành vi táng tận lương tâm này. 

Sau khi bị bắt, Liễu khai nhận đã mua bé trai mới được vài ngày tuổi của một phụ nữ ở Bà Rịa- Vũng Tàu, với giá 30 triệu đồng rồi tiếp tục đưa bé ra Thủ đô Hà Nội, lên Lạng Sơn để đưa sang biên giới bán. Nếu đưa bé trót lọt sang Trung Quốc, Liễu sẽ được trả tiền công 50 triệu đồng. Điều đáng nói, khi bị lực lượng BĐBP Lạng Sơn bắt giữ, cháu bé sơ sinh đang có biểu hiện sức khỏe yếu, khát sữa do không được chăm sóc cẩn thận. May mắn thay, cháu bé đã được cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lạng Sơn giải cứu và nhanh chóng đưa đến chăm sóc tại Cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn.

 Dù bị bắt giữ, nhưng “mẹ mìn” Bích Liễu vẫn quanh co chối tội, không khai báo cụ thể đã mua cháu bé ở đâu, của đối tượng nào, khiến cho việc lập hồ sơ của lực lượng chức năng càng trở nên khó khăn.

Vụ án ngày 24/9/2019, do tổ công tác của Đồn Biên phòng Bảo Lâm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma (BĐBP Lạng Sơn) và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp điều tra, bắt giữ đối tượng cũng là một vụ việc không bao giờ quên. Khi đó, 2 đối tượng là Nguyễn Thị Xàng (sinh năm 1968, quê ở tỉnh Bạc Liêu) và Tăng Thị Ngọc Linh (sinh năm 1991, quê ở tỉnh Sóc Trăng) đang bế một bé trai sơ sinh tìm cách vượt biên trái phép sang Trung Quốc bán. 

Khi cơ quan chức năng lấy lời khai của 2 đối tượng, ai cũng bàng hoàng, phẫn nộ bởi 1 trong 2 “mẹ mìn” này (đối tượng Tăng Thị Ngọc Linh), lại chính là mẹ đẻ của bé sơ sinh mới tròn 10 ngày tuổi. Theo lời kể của cán bộ Biên phòng, khi bị tạm giữ, cháu bé có biểu hiện ốm yếu do phải di chuyển đường dài. BĐBP Lạng Sơn đã cử quân y chăm sóc hai mẹ con và hỗ trợ tiền mua sữa, bỉm cho cháu bé, rồi mới bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận nạn nhân. Điều đáng nói, mẹ của nạn nhân mới 10 ngày tuổi khi bị bắt vẫn tỏ ra vô cảm, không chút ăn năn, hối lỗi vì hành vi bán chính con ruột của mình.

Còn vụ án bắt đối tượng Bế Ngọc Tăng ngày 19/8/2020, lại mất khá nhiều thời gian điều tra, lấy lời khai của các trinh sát thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và BĐBP Lạng Sơn phối hợp triển khai. Sau nhiều ngày củng cố hồ sơ, điều tra, xét hỏi, cuối cùng, Bế Ngọc Tăng đã khai nhận, hắn được một số người quen làm ăn bên Trung Quốc đặt vấn đề tìm phụ nữ Việt Nam đang mang thai sang Trung Quốc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh. Nếu đưa trót lọt người theo yêu cầu qua biên giới, Tăng sẽ nhận được tiền công 300 nhân dân tệ/người (khoảng 1 triệu đồng/người). 

Mờ mắt vì tiền, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 8/2020 đến ngày 19/8/2020, Tăng đã tham gia vào đường dây tội phạm này, đưa trót lọt 2 vụ, với 6 nạn nhân xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó, có 1 nạn nhân vừa sinh con và 1 nạn nhân đang mang thai.

Những con số biết nói

Từ năm 2015 đến nay, các đơn vị của BĐBP Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ/9 đối tượng, giải cứu 5 nạn nhân bị mua bán; xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ 16 lần/28 phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị mua bán trở về; chăm sóc và nuôi dưỡng 4 vụ/4 nạn nhân là trẻ sơ sinh từ 7 đến 30 ngày tuổi. BĐBP Lạng Sơn cũng phối hợp với lượng Công an bắt giữ 2 vụ/2 đối tượng, giải cứu 2 nạn nhân; tiếp nhận và bàn giao 5 vụ/9 đối tượng; phối hợp tiếp nhận, giải cứu 22 lần/38 nạn nhân; phối hợp xử lý 2 vụ/4 phụ nữ đang trên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc có dấu hiệu mua bán người.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 1.284 phụ nữ cư trú ở khu vực biên giới; 5 phụ nữ là nạn nhân bị mua bán trở về đang sinh sống ở khu vực biên giới; có 70 cơ sở kinh doanh có điều kiện như nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, massage…

Bài 1: Nhức nhối nạn buôn người 1
Khu vực đường biên giới là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng mua bán người. Ảnh minh hoạ

Khu vực biên giới đối diện là 2 huyện Long Châu, Ninh Minh và thị trấn Bằng Tường thuộc Khu tự trị dân tộc Choang. Phía Trung Quốc đã xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối… Chính vì vậy, khu vực này là nơi tập trung nhiều dịch vụ nhạy cảm như nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, massage, gội đầu thư giãn... Với đặc điểm tình hình trên, địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn được xác định là địa bàn hoạt động trung chuyển của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.

Theo Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, hiện nay hoạt động mua bán người diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi, đa dạng hơn. Các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước đưa ra nước ngoài, với nhiều mục đích khác nhau như, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, cho nhận con nuôi trái pháp luật…Thậm chí, có nhiều đường dây mua bán người bị phát hiện, bắt giữ có cả phụ nữ đang mang thai và vừa sinh con.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.